Đại biểu Quốc hội: Trao quyền cho Hà Nội thu hút, giữ chân được người tài

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các đại biểu Quốc hội cho rằng, ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn về đối tượng, chế độ, chính sách phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài…

Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong Dự thảo.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.

Việc phân quyền cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, Điều 17 của luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Chủ động tìm kiếm, phát hiện, thu hút nhân tài

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) đồng tình rất cao với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô. Về chính trị, pháp lý, đại biểu cho biết, đã có Nghị quyết số 06 của Trung ương, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu và mục tiêu: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) đề xuất, cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) đề xuất, cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài

Về cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội, tôn giáo, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an sinh xã hội, phát triển khoa học công nghề và bảo vệ môi trường…

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo, đại biểu nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”.

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền thành phố là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án luật
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền thành phố là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án luật

Quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ từng cấp chính quyền

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, về chính sách quy hoạch và quản lý đô thị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tiếp tục bám sát các yêu cầu về quy hoạch, quản lý đô thị tại Nghị quyết số 15 của Trung ương để thể chế hóa rõ ràng, cụ thể thành các quy phạm. Quy định tại Điều 19 còn mang tính nguyên tắc, các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển nhà ở còn quá khái quát, chưa thật đồng bộ, chưa giải quyết được vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra trong thời gian qua.

Về chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 15 đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực, nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền thành phố là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án Luật.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của HĐND Thành phố trong việc quyết định các mô hình cơ quan chuyên môn giúp việc, được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 của dự thảo luật, cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện, tiêu chí thành lập, loại hình tổ chức…