Chiều 24/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều do lỗi con người
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) cho biết, phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều do lỗi con người. Do đó, việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ có tính chất quy phạm.
Điều này có ý nghĩa về văn hóa giao thông, phải được thay đổi, tăng cường để người dân có hành vi đúng mực khi tham gia giao thông. Vấn đề không chỉ là nghiêm cấm, xử phạt thật nghiêm, mà còn là công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Từ đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của công dân trong việc học tập, quán triệt, hiểu biết Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của người dân.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn tỉnh Vĩnh Long) đề nghị Quốc hội cho phép đưa nội dung về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy cho các bậc mầm non, tiểu học. Từ đó giúp các em sớm hình thành ý thức và chấp hành tốt quy định về trật tự an toàn giao thông.
Cân nhắc hạ độ tuổi của người điều khiển xe gắn máy
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề cập đến việc hạ độ tuổi của người lái xe gắn máy. Đại biểu cho biết, thực tế đối với xe gắn máy, đây được xác định là một loại phương tiện giao thông cơ giới.
Việc đủ điều kiện về thể chất chỉ là một phần trong vấn đề điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông. Theo đại biểu, điều quan trọng nhất chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
“Do vậy, nếu như chúng ta hạ độ tuổi của người điều khiển xe gắn máy xuống độ tuổi 13-14, tức là độ tuổi đang học trung học cơ sở thì các em chưa đủ điều kiện về nhận thức cũng như ý thức trong vấn đề tham gia giao thông. Như vậy rất tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông” - đại biểu Thái Thị An Chung đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung, trên thực tế hiện nay, theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang dự kiến, có quy định người đủ 16 tuổi trở lên thì được điều khiển xe gắn máy. Nhưng thực tế lâu nay xã hội cũng như phụ huynh vẫn hiểu rằng học sinh bắt đầu bước vào trung học phổ thông thì đều có thể sử dụng xe gắn máy. Do vậy, cần cân nhắc sửa quy định này.
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) phát biểu tranh luận về nội dung về quy định người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy chỉ được chở một người trừ những trường hợp sau đây thì được chở tối thiểu tối đa hai người: trẻ em dưới 14 tuổi.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, hiện nay trẻ em được chăm sóc kỹ càng, dưới 14 tuổi các em đã lớn rồi, nên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại việc mà người thứ hai ngồi trên xe chứ không phải hạ tuổi lái xe xuống.
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi.