“Sau 2 ngày rưỡi làm việc tích cực và trách nhiệm, hôm nay, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2. Quốc hội đã nghe các Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Tài nguyên và môi trường, Giáo dục-Đào tạo và Nội vụ trả lời chất vấn. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo giải trình thêm và Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu trên Hội trường ngày 17/11 |
Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận.
Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước nhưng các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục.
Qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Các thành viên Chính phủ cơ bản đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách, đã cố gắng trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới. Quốc hội hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng trong việc trả lời chất vấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Để tạo sự chuyển biến, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung sau đây:
Một là, những vấn đề về các lĩnh vực Công thương, Tài nguyên và môi trường, Giáo dục-đào tạo và Nội vụ đã được Quốc hội khóa XIII ban hành các nghị quyết. Đề nghị các Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực trên cùng với các thành viên khác của Chính phủ tiếp tục rà soát, bám sát các nghị quyết giám sát của Quốc hội thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 113 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn để tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội về các lĩnh vực có liên quan.
Hai là, thực hiện các giải pháp có hiệu quả để thực hiện các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp này:
(1)- Đối với lĩnh vực công thương
- Chủ động tích cực rà soát, làm rõ trách nhiệm của Bộ công thương, các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, có giải pháp khẩn trương, quyết liệt, cụ thể cho từng dự án để tránh tiếp tục bị thất thoát, lãng phí.
- Tổng rà soát lại quy trình, tổ chức thực hiện, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại cho người dân. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, sớm xây dựng hoàn chỉnh bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; có cơ chế phối hợp, phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.
- Triển khai nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về quản lý thị trường để đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; có chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm nông nghiệp phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, sản phẩm nông nghiệp; bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô theo lộ trình.
- Rà soát để bảo đảm quy hoạch các dự án phát triển điện theo lộ trình, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi, có giải pháp phát triển các nguồn năng lượng khác để bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế.
(2)- Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường
- Rà soát, đánh giá tổng thể, có giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại khu vực nông thôn, khu công nghiệp, các làng nghề, ô nhiễm các dòng sông, ô nhiễm môi trường do sản xuất, khai thác than, vật liệu xây dựng, cát sỏi lòng sông, phát thải của các nhà máy nhiệt điện than.
- Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng việc đánh giá tác động môi trường.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, hạn hán. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc đánh giá, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.
(3)- Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo
- Tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới tổ chức thi cử theo lộ trình, không tạo áp lực cho nhân dân.
- Rà soát quy hoạch hệ thống các trường đại học, ngành nghề đào tạo và các giải pháp đồng bộ khác để từng bước khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.
- Đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đề án mô hình trường học mới (VNEN), có giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
- Kiểm soát việc dạy thêm, học thêm; đảm bảo chất lượng chương trình, sách giáo khoa, phù hợp với định hướng đổi mới.
- Hoàn thiện các chính sách về cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu bố trí việc làm tại địa phương; có chính sách hỗ trợ đối với sinh viên dân tộc thiểu số các trường đại học, sau đại học tốt nghiệp loại khá, giỏi.
(4)- Đối với lĩnh vực nội vụ
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp bộ máy một cách hợp lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và thực hiện công khai, minh bạch về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng cán bộ, công chức; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các sai phạm.
- Sớm hoàn thiện Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý để áp dụng thống nhất; hoàn thiện chính sách tiền lương; tổ chức có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ; nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, công chức.
- Trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều đại biểu quốc hội, Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 vì đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát để sửa đổi và bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu.
(5)- Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo giải trình một số vấn đề về đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, về an toàn thực phẩm, về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn trả lời và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong việc kế thừa và tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là việc xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả; tăng cường quản lý, phát triển thị trường trong nước, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hỗ trợ sản xuất trong nước; xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; nâng cao chất lượng đào tạo gắn giải quyết việc làm; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ; nâng cao chất lượng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ gây bức xúc trong dư luận thời gian qua theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương...
Kính thưa Quốc hội,
Sau phiên họp này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn; giao Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; giao các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, tổ chức giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào, cử tri và yêu cầu phát triển của đất nước. Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ thứ 2 trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị khách quý, đồng bào, cử tri cả nước đã dành thời gian quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội nói riêng, hoạt động của Nhà nước nói chung; cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã có sự chuẩn bị chu đáo, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội; cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tham gia chất vấn, tranh luận với nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, thiết thực; các cơ quan thông tấn, báo chí đã tổ chức đưa tin, phát thanh, truyền hình trực tiếp đến đồng bào, cử tri cả nước.
Xin được kết thúc các phiên họp chất vấn tại đây"./.