Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại học ngoài công lập: Lúng túng trước quy định của luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) được ban hành với hy vọng sẽ giúp các trường ngoài công lập tháo gỡ những khó khăn do nhiều quy chế, chính sách quản lý không phù hợp. Tuy nhiên, trước thời điểm chỉ còn hơn một tháng nữa, Luật GD ĐH có hiệu lực thi hành (1/11/2013), nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn vô cùng lúng túng do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện luật.

  Nhiều quy định chưa rõ ràng

"Luật GD ĐH có một loạt khái niệm chưa rõ ràng rất cần có thông tư hướng dẫn giải thích. Chẳng hạn, phân tầng cơ sở giáo dục ĐH, chuẩn quốc gia, ĐH tư thục không vì lợi nhuận, hội đồng trường, quyền tự chủ… hiện nay rất mù mờ" - ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH cho biết. Ông Khuyến phân tích, Luật quy định thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường ĐH tư thục (Điều 17) là cơ quan quản lý địa phương chưa đúng với ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, và không đúng với ĐH tư thục vì lợi nhuận. Về quy định thành viên HĐQT là cơ quan quản lý địa phương, GS Phan Huy Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT ĐH dân lập Thăng Long cho rằng: HĐQT của trường nào thì để cho trường ấy quản lý. Đưa đại diện địa phương làm thành viên HĐQT là can thiệp quá sâu vào nội bộ của doanh nghiệp.

Đại học ngoài công lập: Lúng túng trước quy định của luật - Ảnh 1

Giờ lên lớp của sinh viên Đại học FPT. Ảnh: Thanh Ngọc/

Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng lo lắng với quy định của Bộ GD&ĐT về chuẩn mét vuông đất và tỷ lệ giảng viên/sinh viên. Họ cho rằng, những quy định chuẩn này như ở "trên trời", vì bản thân các trường công được Nhà nước cấp đất và đầu tư ngân sách còn khó đáp ứng được điều kiện, nói gì đến các trường tư thục phải lo từ A đến Z.

Về quy định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục ĐH tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở GD ĐH (Điều 66 khoản 3 về Quản lý tài chính) khiến nhiều lãnh đạo băn khoăn. TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho biết: Các trường ĐH ngoài công lập phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế này nếu không được ưu đãi thì lên đến 25% lợi nhuận. Phần trăm thuế này, cộng thêm 25% lợi nhuận giữ lại để đầu tư phát triển, như vậy thực tế thuế của ĐH ngoài công lập có thể lên đến 50% lợi nhuận. Đây là mức thuế kỷ lục, đi ngược lại quan điểm thu hút đầu tư.

Nên hướng dẫn thực hiện có lộ trình

Ủng hộ việc thực hiện Luật GD ĐH, song GS Phan Huy Dũng cho rằng, cần đưa ra lộ trình hướng dẫn luật. Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch HĐQT ĐH dân lập Đông Đô cũng đề nghị, trong hướng dẫn nên đưa ra các quy chuẩn thấp hơn, phù hợp với thực tế, để các trường thực hiện dần dần, tiến tới chuẩn.

Ví như việc dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển giáo dục phải đưa ra lộ trình để nâng mức đầu tư lên cao hơn nên tính đến yếu tố nếu trường ĐH tư thục hoạt động bị thua lỗ thì sẽ như thế nào? Hiện nay, có nhiều trường, hàng tháng các cổ đông phải bỏ thêm tiền để trả lương cho giảng viên vì hoạt động không mang lại lợi nhuận. Việc giám sát, kiểm định hoạt động của các trường, cũng nên để cho các hội nghề nghiệp đảm nhiệm, vì họ có chuyên môn. Khi các hội nghề nghiệp công bố kết quả giám sát kiểm định, họ sẽ chịu trách nhiệm, Bộ GD&ĐT đưa ra chế tài đối với các trường sai phạm có được hoạt động đào tạo nữa hay không. Nếu Bộ vừa thẩm định, vừa đặt ra chế tài thì chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi".