Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại học Xây dựng phải đổi mới quản lý, hội nhập để phát triển

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự lễ kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Đại học Xây dựng.

Đại học Xây dựng thành lập năm 1966, trên cơ sở Khoa Xây dựng thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội trong 10 năm (1956-1966).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho Đại học Xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương những kết quả mà các thế hệ lãnh đạo, các nhà giáo, viên chức và sinh viên nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng nói riêng còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức lối sống và kỹ năng mềm; thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; mô hình quản trị đại học còn chậm đổi mới.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, Đại học Xây dựng phải tập trung đào tạo cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng.
 Phó Thủ tướng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của Đại học Xây dựng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhà trường cũng phải đổi mới mô hình quản lý, phát huy mạnh dân chủ trong tổ chức và hoạt động, tiếp cận các tiêu chuẩn hiện đại của các trung tâm giáo dục đại học lớn trong khu vực và quốc tế. Sớm có kế hoạch cụ thể để hướng tới mô hình trường đại học công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tháo gỡ những rào cản phát triển hiện nay. Phải thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, bảo đảm tăng tỉ lệ thực hành, phát triển kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.

Theo Phó Thủ tướng, nhà trường cũng cần tiếp tục tập trung phát triển, kể cả mở mới các ngành đào tạo mà xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn và nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm như kiến trúc, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Về lâu dài, cần phát triển, mở thêm các ngành có gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của thực tiễn phát triển như quy hoạch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xây dựng, vật liệu xây dựng...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý Đại học Xây dựng phải chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến, từng bước tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới.