Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam: Tiếp tục chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 24/9, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 – 2023), sự kiện chính trị quan trọng của người lao động (NLĐ) cả nước bắt đầu diễn ra và kéo dài đến 26/9. Một trong những mục tiêu Đại hội hướng tới là tiếp tục nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ.

 Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai tặng quà Tết và vé xe trong ngày Tết sum vầy 2018 tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Phú Khánh

Vị thế được khẳng định

Theo lãnh đạo LĐLĐ Việt Nam, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Vị thế của tổ chức CĐVN được khẳng định. Tư duy đột phá, đổi mới công tác chỉ đạo đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của tổ chức công đoàn, tạo cơ sở để CĐVN thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Hướng tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, qua các phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Công đoàn Thủ đô năm 2018, có gần 3.800 sáng kiến cấp cơ sở, 1.800 sáng kiến cấp trên cơ sở được áp dụng vào sản xuất và công tác, làm lợi hơn 800 tỷ đồng. Tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, 29 đại biểu của đoàn LĐLĐ TP Hà Nội đóng góp 3 tham luận và tham dự 12 trung tâm thảo luận của Đại hội.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến
Với phương châm “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, CĐVN từng bước tạo lợi thế khác biệt cho đoàn viên. Các chương trình như “Tết Sum vầy”, “Tháng công nhân” đã được triển khai ở các cấp công đoàn. Đáng chú ý, qua chương trình "Mái ấm Công đoàn”, đã có trên 20.000 gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết của NLĐ về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao,...

Nâng cao vai trò đại diện

CĐVN đã tham gia xây dựng và hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến NLĐ, trong đó, đã đề xuất trong Hội đồng tiền lương quốc gia nhằm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Trong tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, Công đoàn cơ sở (CĐCS) đã ký kết được hơn 27.800 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Qua gần 2.300 CĐCS đối thoại, lần đầu có nghị quyết về bữa ăn ca, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của hơn 587.000 NLĐ từ 15.000 đồng trở lên, góp phần cải thiện bữa ăn giữa ca của NLĐ.

Đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ tiếp tục là nội dung đầu tiên trong 3 khâu đột phá tại nhiệm kỳ tới (2018 - 2023). Tổng LĐLĐ Việt Nam coi đây là một trong những nội dung quan trọng, thu hút NLĐ đến với tổ chức công đoàn.

Để làm được điều đó, Đại hội XII xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn. Chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy NLĐ làm trung tâm, hoạt động chủ yếu ở cơ sở. Công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh...