Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát: Trong nguy có cơ

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra ở Thủ đô Ankara, nhiều người lo ngại về một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, vụ việc khiến Ankara ngả về Nga mạnh mẽ hơn.

Vụ ám sát đã làm cả thế giới chấn động và là bài kiểm tra độ vững chắc của quan hệ Nga - Thổ vừa hồi phục sau một thời gian đóng băng. Hai nước vừa giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng kéo dài từ cuối năm ngoái sau khi một máy bay chiến đấu của Moscow bị Ankara bắn hạ tại biên giới Syria.
Thực chất, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều bất đồng, đặc biệt là trong vấn đề Syria. Chính quyền Ankara hậu thuẫn nhóm đối lập chống lại chính phủ Tổng thống al-Assad kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến, trong khi Moscow ủng hộ chính quyền của ông al-Assad. Kể từ cuối năm ngoái, Nga đã điều các máy bay chiến đấu đến tham chiến ở Syria, nhắm vào các mục tiêu mà nước này xác định là quân khủng bố. Chính việc này đã đến xung đột đỉnh điểm khi một máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
 Sự việc khiến 2 nước xích lại gần nhau hơn. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng căng thẳng và các lệnh cấm vận kinh tế đối với nông sản Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã xin lỗi về vụ việc và có chuyến thăm Nga để gặp ông Putin vào mùa hè. Hai nước đã nhanh chóng có các động thái “làm lành” ngay sau đó, thông qua dự án đường ống khí đốt và cam kết tăng cường quan hệ kinh tế. 
Các nhà phân tích nhận định, tại thời điểm này, cả hai nước đều không có ý định giữ thái độ thù địch có thể dẫn đến hành động quân sự. Hiện, Moscow và Ankara đã xây dựng quan hệ kinh tế quan trọng, bao gồm nối lại hợp tác du lịch và một dự án đường ống dẫn khí mới.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu của việc chuyển đổi cách tiếp cận về vấn đề Syria gần với Moscow hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu một loạt vụ tấn công khủng bố tàn bạo bởi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bao gồm cuộc tấn công vào sân bay chính của Istanbul tháng 6 vừa qua khiến 45 người thiệt mạng. Đối diện với mối nguy khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi ưu tiên từ việc chống lại chính phủ Syria bằng việc gửi xe tăng và máy bay chiến đấu tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố.
Chính vì vậy, giới phân tích đánh giá, sau sự kiện này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ sẽ tìm được động cơ cũng như tiếng nói chung để xích lại gần nhau, cùng hợp sức đối phó với các mối nguy tiềm ẩn. "Cả Moscow và Ankara đều sẽ nhìn nhận vụ ám sát như lý do cho sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố" - Chủ tịch Công ty phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group Ian Bremmer nhận xét. 
Bên cạnh đó, sau rất nhiều chỉ trích đối với cuộc thanh trừng sau âm mưu đảo chính bất thành từ phương Tây và đặc biệt là Mỹ, nước từng là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đang rất cần một sự ủng hộ thay thế.