Chia sẻ tại tại Hội nghị Tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 ngày 22/1, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ - Đại sứ Đặng Đình Quý, đã chia sẻ những kinh nghiệm "trực chiến" đối với đối với "chiến dịch lớn" trong mặt trận ngoại giao này.
Vận dụng sáng tạo bài học lịch sử
Đại sứ Đặng Đình Quý đã cho biết việc chọn thời điểm và tranh thủ thời cơ là một trong những yếu tố để chúng ta thành công trong nhiệm kỳ vừa qua tại HĐBA LHQ.
"Việt Nam chọn nhiệm kỳ 2021 và vận động để tranh thủ trở thành Ứng cử duy nhất của nhóm Châu Á Thái Bình dương, dẫn đến việc giành được số phiếu bầu ấn tượng", Đại sứ cho biết. Việc cùng thời điểm đó giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng giúp đạt mục tiêu làm cầu nối hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực của Việt Nam.
Theo Đại sứ, tháng đầu tiên đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA luôn là thách thức nhưng trong trường hợp của Việt Nam, chúng ta đã biến thách thức trở thành cơ hội khi chọn chủ đề phiên thảo luận mở là Thượng tôn Hiến chương LHQ trong duy trì an ninh quốc tế– tạo kỷ lục về số bài phát biểu tại sự kiện.
Một điểm đặc trưng khác của Việt Nam là chúng ta khai thác các bài học lịch sử trong giải quyết các vấn đề của HĐBA. Trải qua 2 cuộc chiến tranh kiến tạo hòa bình và tham gia trực tiếp, giải quyết đc một trong những xung đột phức tạp của thập kỷ 1980 là vấn đề Campuchia, ngay từ đầu Việt Nam đã được trông đợi sẽ làm nên chuyện ở LHQ.
Thực tế là Việt Nam đã đem được những kinh nghiệm trong lịch sử vào triển khai ý tưởng, sáng kiến và thảo luận giải quyết các vấn đề ở HĐBA LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết.
"Hai năm qua chúng ta đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn- sáng kiến sau trở thành Nghị quyết 2573, mà phần nào bắt đầu từ những ký ức về tàn phá đê Yên Phụ hay bệnh viện Bạch Mai năm 1972. Hay sự đóng góp của Việt Nam trong vấn đề Lybia ở cả hai khía cạnh trong và ngoài tương đồng với vấn đề Campuchia", Đại sứ Đặng Đình Quý chiêm nghiệm.
Làm việc với nước lớn, đại diện cho nước nhỏ
Công việc ở HĐBA của Việt Nam theo ông Quý là làm việc với các nước lớn, nhưng đồng thời đại diện cho đa số lợi ích các nước vừa và nhỏ. Đó là nguyên tắc của Việt Nam trong tận dụng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh-ngoại giao công tâm, tranh thủ niềm tin của các nước ở LHQ.
"Khi đấu tranh, khi hợp tác chúng ta đều tôn trọng đối tác, giữ nguyên tắc nhưng vẫn có tình có lý", Đại sứ nói. Nhờ vậy mà, "cảm nhận chung của các anh chị em phái đoàn là các nước nể Việt Nam hơn, các bạn bè đối tác họ quý Việt Nam hơn".
Nhìn chung, Việt Nam đã phát huy được vị thế ủy viên HĐBA, được xác lập bằng các đóng góp tích cực trong công việc chung và ghi nhận, thể hiện qua số phiếu bầu hay mức độ ủng hộ các sáng kiến.
Trên cơ sở những thành quả đạt được và kinh nghiệm trong quá trình tại HĐBA LHQ vừa qua, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam có thể tính đến việc tiếp tục ứng cử tham gia HĐBA LHQ lần 3 trong 10 năm tới. Khi đó với thế và lực của Việt Nam thay đổi, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục trông đợi vào một sự đóng góp thiết thực.