Chuyên gia y tế khuyến cáo, để đảm bảo an toàn trong mùa lễ hội Xuân 2023, người dân cần chủ động có những biện pháp để nâng cao thể trạng, phòng, chống bệnh tật.
Nguy cơ dịch chồng dịch
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, tình hình dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được khống chế tốt. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo, dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch do biến thể mới. Hơn nữa, giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh đường hô hấp dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Đặc biệt, thời gian này là mùa lễ hội đầu Xuân 2023, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh lây lan có thể gia tăng số ca nhiễm, nhất là với nhóm trẻ có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh nền.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nhiều quốc gia đã ghi nhận biến thể mới XBB của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tái nhiễm cao nên yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh giám sát trong cộng đồng để kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh. Đồng thời, chú trọng thu thập mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm biến đổi mới cũng như giám sát các ổ dịch. Các bệnh có thể diễn biến bất thường về quy mô, tốc độ lây lan.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động truyền thông để nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tạo sự đồng thuận; không chủ quan, lơ là với dịch Covid-19.
Khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2023 kết thúc thì mùa lễ hội đầu xuân cũng bắt đầu tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lượng người di chuyển giữa các địa phương tăng cao để du xuân và đông người tập trung tại các lễ hội đầu năm là nguy cơ khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để có những ngày du xuân vui lễ hội an toàn, khỏe mạnh, đòi hỏi bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe và tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng dịch.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, sau Tết cũng là lúc thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Trong đó, dịch Covid-19 khiến nguy cơ gia tăng số ca mắc, ca nặng, nhất là với nhóm trẻ em sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền. Đồng thời, mùa Đông Xuân với đặc trưng tiết trời nồm ẩm, là môi trường lý tưởng cho nhiều loại dịch bệnh theo mùa sinh sôi, phát triển, nhất là ở những nơi tập trung đông người, địa điểm đền, chùa tổ chức lễ hội, trường học, bệnh viện… Đáng nói, trong những tháng tới, việc giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới sẽ gia tăng.
Do đó, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xâm nhập vào nước ta là rất lớn. “Trong giai đoạn này, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh linh hoạt, đẩy mạnh giám sát để đánh giá nguy cơ, làm việc sát sao với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người dân vẫn cần phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên...” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Chủ động biện pháp phòng dịch
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, sau Tết Nguyên đán, thời tiết chuyển mùa từ Đông sang Xuân, đồng thời có nhiều lễ hội tập trung đông người nên các bệnh lý đường hô hấp thường dễ lây lan. Các bệnh truyền nhiễm nguy cơ như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm cũng sẽ dễ bùng phát. Đối với những người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh thận mãn tính dễ gặp các biến chứng của bệnh do tâm lý chủ quan. Do đó, để có những ngày du Xuân vui lễ hội an toàn, khỏe mạnh, đòi hỏi bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe và tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng dịch.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, những ngày gần đây, thời tiết thay đổi từ mùa Đông chuyển sang mùa Xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm sau Tết… dẫn đến lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý đường hô hấp gia tăng.
Đặc biệt, nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió, trong khi dịp Tết cổ truyền lại là dịp tụ họp quây quần, tụ họp, sau tết là tình hình du Xuân, lễ hội… nên tình trạng tập trung đông người cũng nhiều hơn. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp.
Để phòng bệnh đường hô hấp, PGS.TS Phan Thu Phương khuyến cáo, người dân cần đảm bảo khẩu trang che mũi, miệng và cằm khi đi ra nơi công cộng, tiếp xúc đông người. Thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước. Rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi… Cùng đó, người dân cần tuân thủ vệ sinh đường hô hấp cũng như các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, duy trì chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý. Để đảm bảo an toàn trong những ngày du Xuân, mùa lễ hội, người dân cần chủ động có những biện pháp để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật.
Cũng theo các chuyên gia y tế, người dân đi du lịch trong mùa Tết, đầu xuân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi thời tiết thay đổi nóng hoặc lạnh hơn. Do đó, bên cạnh lựa chọn trang phục phù hợp, du khách nên ưu tiên dùng những thực phẩm giúp cơ thể mát mẻ hoặc giữ thân nhiệt tốt, từ đó tăng cường đề kháng, đảm bảo sức khỏe tốt nhất để tận hưởng các chuyến đi.
Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, nếu đi du lịch đến vùng có thời tiết nóng, vui chơi ngoài trời nắng trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe như: Sốc nhiệt, stress nhiệt, hạ huyết áp, mất nước... Do đó, du khách cần phải tăng cường sử dụng những thực phẩm bù nước, bù điện giải, hỗ trợ giải nhiệt cho cơ thể.
Song song đó, người dân cần tăng cường miễn dịch bằng các loại thực phẩm nhiều vitamin C, khoáng chất và lợi khuẩn. Nếu đi du lịch đến vùng thời tiết lạnh, các mầm bệnh cảm cúm, cảm lạnh... có nguy cơ xâm nhập cơ thể. Lúc này, du khách cần sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C, giúp cơ thể xây dựng hàng rào phòng chống các bệnh thường gặp trong mùa lạnh, đồng thời chống oxy hóa, hạn chế tình trạng da khô nứt nẻ (cam, chanh, quýt, bưởi, bông cải xanh...).