Trẻ nhỏ ở nhà một mình rất có thể xảy ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: hỏa hoạn, điện giật... |
Khi trẻ nhỏ ở nhà, sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ gặp hiểm họa, tiềm ẩn xảy ra tai nạn cho chính trẻ hoặc cho cả người xung quanh. Đã có nhiều vụ cháy, vụ tai nạn do trẻ nhỏ gây ra.
Liên quan vấn đề này, Công an TP Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo một số biện pháp an toàn khi để trẻ nhỏ ở nhà một mình. Theo đó, trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, cha mẹ cần đảm bảo rằng trẻ đã có khả năng tự chăm sóc cơ bản cho bản thân và chú ý một số nội dung.
Cụ thể, phải có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, hoặc phải giáo dục trẻ nhỏ tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi, đề phòng ngã từ trên cao. Để, đặt các loại đồ chơi của trẻ tại các khu vực thấp, trên mặt sàn, hạn chế cất giấu những đồ chơi thường dùng của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ... vượt tầm cao của trẻ nhỏ gây sự tò mò, hiếu kỳ và leo trèo làm đổ các vật dụng gây tai nạn, thương tích.
Bên cạnh đó, khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm trẻ không được sờ vào. Tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa cho con. Nếu lỡ trong nhà xảy ra hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì trẻ sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời...
Trong khi đó, theo khuyến cáo của EVN, ngoài việc giáo dục trẻ tránh xa các nguy cơ, thì việc lựa chọn và lắp thiết bị điện trong nhà để an toàn cũng là một giải pháp tốt. Trang bị kiến thức cho trẻ để phòng tránh được điện giật là việc làm cần thiết. Điện giật ở trẻ em là một trong những tai nạn thường gặp ở mỗi gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ nguy hiểm và cách phòng tránh để đảm bảo an toàn cho con trẻ ngay cả trong ngôi nhà của mình.
Để phòng tránh điện giật đối với trẻ, bố mẹ phải nói chuyện với con về cách thức hoạt động của điện; kiểm tra các đường dây điện trong môi trường xung quanh; chỉ cho con cách hoạt động của phích cắm và không được nhét bất cứ thứ gì vào ổ cắm điện.
Ngoài ra, phụ huynh nên tham khảo một số kỹ năng an toàn khi sử dụng thiết bị điện. Cụ thể, thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của trẻ. Nếu các ổ điện trong tầm với, phải sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn trẻ chọc tay vào. Đối với những đồ điện trang trí có hình thù, màu sắc bắt mắt như: đèn ngủ, đèn nháy… nên để xa tầm với của trẻ, khi sử dụng xong phải cất lên cao. Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0-6 tuổi. Bố mẹ cũng cần chủ động sử dụng những thiết bị điện thông minh, chuyên dụng có khả năng tự ngắt, hay dùng những thiết bị có nắp che phần ổ cắm cũng như để những món đồ nguy hiểm tránh xa tầm tay trẻ em.