Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị
Việt Nam cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259 (gọi là QHC1259) đã đưa ra một tầm nhìn rất quan trọng cho Hà Nội. Đó là phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm gắn với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và chiến lược “hành lang xanh, vành đai xanh, nệm xanh”.
Với diện tích trên 3.300km2 nhưng quy hoạch chỉ dành 30% là đất xây dựng đô thị, còn lại 70% là mạng lưới cây xanh, hành lang xanh, toàn bộ hành lang đó chạy quanh sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Với cấu trúc này, Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển một cách tốt nhất, cân bằng mối quan hệ giữa bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên hiện có và phát triển đô thị.
Sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, đến nay đô thị trung tâm phát triển tương đối mạnh, còn một số đô thị vệ tinh do nhiều nguyên nhân chưa có điều kiện phát triển. Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, vành đai xanh sông Nhuệ có diện tích khoảng 4.500ha. Đây là vùng không gian xanh sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và vùng đô thị mở rộng, được coi là khu vực nhằm để “gói lại” đô thị trung tâm, tránh phát triển đô thị lan tỏa. Khu vực này chủ yếu bố trí trồng cây xanh, xây dựng các dự án công viên lớn.
Ông Nguyễn Trúc Anh nhìn nhận, sau 10 năm triển khai, quy hoạch vành đai xanh chưa được chú trọng bảo vệ, phát triển. Tại đây, các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ kết nối. Đặc biệt chưa có dự án công viên cây xanh vui chơi giải trí được đầu tư quy mô lớn theo đúng QHC1259 được duyệt. "Chúng ta cần phanh lại các dự án, giữ đất để trồng cây hoặc phát triển hệ thống nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, nếu không dần dần sẽ mất khu vực vành đai xanh quan trọng này” - ông Nguyễn Trúc Anh nhận định.
Duy trì các vành đai xanh, nêm xanh
Theo ý kiến của nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lã Thị Kim Ngân, quy hoạch chung Hà Nội xác định vành đai xanh sông Nhuệ nhưng không có nghĩa là trong vành đai xanh không có các hoạt động giao lưu, đi lại của dân cư hiện có. Sắc xanh không chỉ là điểm thu hút đặc biệt mà còn có sức lan tỏa và tạo kết nối trong đô thị.
Bởi vậy, quy hoạch chung đã xác định mạng đường cấp khu vực, cấp TP cắt qua vành đai xanh nhằm gắn kết các khu phát triển đô thị dọc hai bên của vành đai xanh. Đối với mạng đường cấp hạng nhỏ hơn trong vành đai xanh sẽ được tiếp tục nghiên cứu xác định ở giai đoạn quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Nguyên tắc chính khi nghiên cứu xác định mạng đường trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trong khu vực này là đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đang sinh sống trong vành đai xanh.
Mạng lưới giao thông sẽ tận dụng tối đa các đường liên huyện, liên xã hiện có; đồng thời tạo điều kiện để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các khu vực dân cư, làng xóm trong vành đai xanh. Khi sử dụng đất tại vành đai xanh phải đảm bảo tính liên tục của không gian xanh, mặt nước và dành ưu tiên quỹ đất phát triển hệ thống không gian cây xanh, công viên quảng trường, các tiện ích công cộng, thể dục thể thao, giải trí, đào tạo, y tế cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, kế thừa quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội do TP tổ chức nghiên cứu, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cũng định hướng tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Thủ đô. Đây là vị trí có ảnh hưởng lớn tới trục không gian cảnh quan văn hóa, đô thị Hồ Tây - Cổ Loa. Vì vậy, dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên sẽ không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hướng tới trục cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng gây ra áp lực lớn lên chất lượng sống, tài nguyên và môi trường, các chuyên gia đô thị cho rằng, Hà Nội phải có các giải pháp quản lý sự phát triển của đô thị, đồng nghĩa sớm có chương trình phát triển đô thị. Và một trong yếu tố quan trọng là phải duy trì bằng được các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh và nêm xanh, ngăn chặn sự phát triển tràn lan, hướng tới đô thị phát triển bền vững.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập đến 2 quy hoạch triển khai song song đồng thời là Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và Điều chỉnh Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Nội đã giao cho 2 đơn vị thực hiện Nghị quyết này, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội là đơn vị được giao tổ chức điều chỉnh chung quy hoạch. Quá trình thực hiện, Viện phối hợp với các cơ quan của TP để rà soát, đánh giá, nhận định, xem xét các yếu tố tác động để đưa vào nội dung đánh giá.
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, KTS Lưu Quang Huy