Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh lớp Một

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong buổi giao ban trực tuyến triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đến năm 2015 và giao ban công tác quý với 29 quận, huyện chiều 28/3, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ tuyển sinh các lớp đầu cấp sắp tới không có thay đổi gì về phương thức. Song, điều đáng lo ngại là vấn đề tăng dân số cơ học, đặc biệt tập trung vào học sinh (HS) lớp Một.

Học sinh tăng mạnh ở các cấp

Theo Kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2013 - 2014, các trường Hà Nội dự kiến sẽ đón 73.500 trẻ nhà trẻ, khoảng 362.000 trẻ mẫu giáo, 125.000 HS lớp Một và 86.000 HS lớp 6.

So với năm học trước, các bậc học đều tăng số lượng HS, nhiều nhất là trẻ mẫu giáo (khoảng 35.000 trẻ), tiếp đến là lớp Một tăng hơn 11.000 HS.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để công tác thi và tuyển sinh năm học mới đạt kết quả tốt, từ đầu tháng 3, UBND TP đã chỉ đạo về việc tuyển sinh các trường mầm non, lớp Một, lớp 6, lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014, giao Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận, huyện, thị xã để đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, thuận tiện cho HS và phụ huynh.
 
 
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh lớp Một - Ảnh 1
 
Một buổi học của học sinh trường Tiểu học Cát Linh.
 

Trong khi quy mô tuyển sinh các bậc học đều tăng, các địa phương lại được yêu cầu thực hiện chủ trương "3 tăng, 3 giảm": Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số HS trái tuyến, giảm số HS trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn.

"Với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, các quận cần có biện pháp chỉ đạo kiên quyết trong việc giảm sĩ số HS trên lớp, nhất là với lớp Một, giảm số HS trái tuyến" - ông Đại nhấn mạnh.

Công khai chỉ tiêu

Trước âu hỏi về việc giải quyết số trẻ độ tuổi lớp Một đến trường năm học tới tăng cao trong khi thực tế hiện nay nhiều trường đã quá tải sĩ số, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, với bậc tiểu học, mặt bằng chung cơ bản đáp ứng được số HS ra lớp, tuy nhiên cục bộ sẽ căng thẳng một số nơi, phải rà soát kỹ trẻ trong độ tuổi, phân tuyến hợp lý.

Các quận, huyện phải công khai, minh bạch trong việc giao quyết định chỉ tiêu. Nếu làm tốt công tác điều tra, phân tuyến sẽ quản lý, kiểm soát được số lượng tuyển sinh trong địa bàn.

Thực tế cho thấy, công tác tuyển sinh đầu cấp năm 2012 còn thiếu hợp lý trong phân tuyến và giao chỉ tiêu tuyển sinh ở một số quận, huyện, nên có trường tuyển thừa, trường tuyển thiếu số HS so với chỉ tiêu được giao; nhiều trường có số lượng HS đúng tuyến thấp.

Cá biệt có trường chỉ tuyển được chưa đến 10% chỉ tiêu như THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình), cũng có những trường chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu như THCS Hạ Đình, quận Thanh Xuân: 41%; THCS Láng Hạ, quận Đống Đa: 48%...

Nói về khó khăn của địa phương trong công tác tuyển sinh, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, quan trọng vẫn là có phương án phân tuyến phù hợp vì Hoàn Kiếm vốn rất khó khăn về chỗ học, chỉ duy nhất ngành học mầm non có 19 trường/19 phường, còn lại tiểu học chỉ có 13 trường, THCS có 7 trường. 

Trước số liệu chỉ tiêu dự  kiến tăng cao ở HS lớp Một, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, trách nhiệm chính vẫn thuộc về quận, huyện trong việc lo chỗ học, đảm bảo ổn định tình hình. "Tăng 11.000 HS nhưng tập trung ở quận, huyện nào thì ngành giáo dục phải rà soát, nắm chắc. Chỗ nào có đột biến, có khó khăn phải báo cáo Sở GD&ĐT và TP để có hướng giải quyết. Các cháu HS lớp Một lần đầu tiên đến trường, không thể có tình trạng đẩy qua đẩy lại. Quận, huyện cần có quyết sách sớm, tăng lớp hay phân tuyến rạch ròi, cụ thể, đảm bảo chỗ học cho các cháu" - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo.

 
Năm học 2012 - 2013, Hà Nội dự kiến có 75.393 HS tốt nghiệp THCS, trên cơ sở đó, dự kiến tuyển vào hệ THPT 69.920 HS (trong đó các trường công lập 54.160 HS, trường ngoài công lập 13.260 HS, các trung tâm giáo dục thường xuyên 2.500 HS); hệ GDTX: 4.200 HS; hệ TCCN: 1.400 HS.