Thượng tá Đặng Trung Kiên - Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, qua khảo sát, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 56 chùa. Đây là nơi tín ngưỡng, hoạt động tập trung đông người, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết, ngày Rằm và mùng 1.
Các chùa thường nằm độc lập xa khu dân cư. Những người sinh sống, trông coi, quản lý chùa thường là các sư vãi, các tiểu… do vậy kỹ năng xử lý nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra còn hạn chế. Cá biệt một số nơi trụ trì chùa còn chưa quan tâm tới công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), khi được cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC xuống tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC còn vắng mặt.
Cùng với đó, việc trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ban đầu tại nhiều chùa còn chưa được chú trọng. Mặt khác, các ngôi chùa có trên địa bàn thường được xây dựng lâu đời, thường có bậc chịu lửa II, III, IV (kết cấu cột gỗ, mái ngói, sàn dầm gỗ…). Bên trong chùa, tại khu vực nhà thờ, nhà tam bảo thường có mật độ chất cháy lớn.
Việc thắp hương thờ cúng được diễn ra thường xuyên, liên tục; một số chùa hiện nay còn sử dụng nhiều thiết bị điện và các hệ thống điện do quá trình xây dựng lâu đời tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, nguy cơ cháy nổ cao.
Thượng tá Đặng Trung Kiên dẫn chứng, trên thực tế đã có nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại các cơ sở tín ngưỡng là nhà chùa gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ cháy khu vực giảng đường chùa Phật Quang (Hà Nam) ước tính thiệt hại khoảng 500 - 600 triệu đồng; vụ cháy tại chùa Linh Quang (huyện Quốc Oai), chùa Cự Đà (huyện Thanh Oai) gây thiệt hại về tài sản ước hàng chục tỷ đồng.
Riêng với huyện Đan Phượng, năm 2023 xảy ra vụ cháy khu vực bếp ăn tại chùa Già Lễ, xã Liên Hồng. Tuy không thiệt hại về người và tài sản nhưng đã ảnh hưởng nhất định tới an ninh trật tự tại địa phương.
Từ thực tế đó, để trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC cho các cơ sở tôn giáo, Công an huyện Đan Phượng đã ra mắt mô hình “Nhà chùa an toàn về PCCC” tại chùa Đại Từ Ân. Chùa có diện tích 19.286m2 nằm trong Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng.
Bên cạnh là công trình tín ngưỡng, chùa còn có chức năng là một ngôi trường đào tạo (Trường Trung cấp Phật học TP Hà Nội) hoạt động giảng dạy và thờ tự trực thuộc Thành hội Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội.
Tại chùa có khoảng 5 người thường xuyên sinh sống, làm việc (gồm trụ trì và các tiểu, các sư vãi trông nom chùa) và khoảng 200 tăng, ni đang theo học tại Trường Trung cấp Phật học ở nội trú trong tuần.
“Mỗi ngôi chùa đều chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá. Nếu không may để xảy ra cháy sẽ là mất mát rất to lớn. Chính vì vậy, khi Công an huyện Đan Phượng tổ chức thí điểm mô hình “Nhà chùa an toàn PCCC” tại chùa, chúng tôi rất phấn khởi” - Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Trụ trì chùa Đại Từ Ân chia sẻ.
Theo Thượng tá Đặng Trung Kiên, với mô hình “Nhà chùa an toàn về PCCC”, định kỳ mỗi năm 2 lần, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Đan Phượng) sẽ cử cán bộ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn PCCC lồng ghép vào tiết học, buổi sinh hoạt chuyên đề.
Từ đó nhân rộng, trụ trì các chùa áp dụng trở thành một báo cáo viên, tuyên truyền viên thay cho lực lượng Cảnh sát PCCC, là cánh tay nối dài của lực lượng Cảnh sát PCCC trong công tác tuyên truyền an toàn PCCC đối với toàn bộ thành viên sinh sống, quản lý, trông coi tại các chùa và phật tử đến dâng hương.
Theo kế hoạch, huyện Đan Phượng phấn đấu mỗi năm có từ 4 - 5 chùa trên địa bàn huyện tham gia triển khai mô hình “Nhà chùa an toàn về PCCC”. Qua mô hình, huyện vận động quần chúng Nhân dân tham gia hỗ trợ công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ ngay từ cơ sở. Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, tận dụng thời gian vàng cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy nỗ xảy ra.
Tại hội nghị mắt mô hình, Công an huyện Đan Phượng đã trao tặng chùa Đại Từ Ân bình chữa cháy và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn PCCC cho sư, thầy, tăng, ni trong chùa.