Đến tháng 11/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2022 và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Sự hồi phục du lịch trên cả nước thời gian qua là rất đáng mừng nhưng đằng sau những con số đó còn không ít băn khoăn.
Cách đây không lâu, tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình du lịch của địa phương, Ban Tổ chức tỉnh đó đã thông tin những con số khá ấn tượng về sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch tỉnh này. Tuy nhiên, ngay khi kết quả vừa được công bố, nhiều DN du lịch của địa phương đã không đồng tình, cho rằng số liệu trên thiếu thực tế vì các đơn vị lưu trú và lữ hành trên địa bàn đều đang rất ế ẩm, khó khăn.
Trên thực tế, dù các báo cáo công bố lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh, song không ít DN du lịch đã phản ứng, cho rằng kết quả đạt được quá cao, không phản ánh đúng thực tế. Những điểm đến "hot" nhất vẫn vắng khách; nhiều khách sạn, nhà hàng chưa thoát khỏi bờ vực phá sản, còn hàng không thì nhọc nhằn gánh lỗ.
Bất cập trong thống kê khách du lịch đã xuất hiện từ lâu vì phương pháp thống kê không thống nhất, mỗi nơi báo cáo một kiểu. Một số tỉnh kết hợp ứng dụng quản lý du lịch và báo cáo từ công an phường. Một số tổng hợp từ Phòng VH&TT cấp huyện, trong đó có lượng khách nội tỉnh đi tham quan, check-in các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Một số tỉnh, thành khác cộng dồn cả khách tham quan trong ngày. Ví dụ, một người đi chơi 4 -5 địa điểm trong cùng một tỉnh, TP sẽ được thống kê thành "4 - 5 lượt khách".
Số liệu sai làm nhiễu thông tin, dẫn đến việc đánh giá, dự báo, lập kế hoạch sai, nguy hiểm hơn thiệt hại kinh tế nhãn tiền. Không thể phủ nhận tiềm năng du lịch Việt Nam là rất lớn nhưng vẫn còn tồn tại, như: các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm. Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn; sự phục hồi du lịch chưa đồng đều ở một số địa phương. Công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ, Tết...
Việc thống kê lượng khách sai thực tế có thể tạo cảm giác chủ quan mà không đi sâu vào chất lượng. Nguy hiểm hơn sẽ tạo ra sự “quá tải ảo”, du khách sẽ ngại chọn những điểm đến vì lo ngại cho sức khỏe, sự an toàn khi đi du lịch, trong khi dịch vụ thì vẫn còn nhiều, chưa chạy hết công suất. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo ra sự so sánh giữa các địa phương, thi nhau đưa ra con số không có thật, gây ra áp lực cho cơ quan quản lý, dẫn tới điều chỉnh nguồn lực không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; đầu vào của du lịch là đầu ra của các ngành khác nên cần phải có sự thống kê chính xác, giúp cho các nhà hoạch định có cái nhìn tổng thể để có chiến lược và chính sách hợp lý. Đã đến lúc cần xem lại số liệu báo cáo du lịch một cách nghiêm túc, khoa học để các DN du lịch định hình, phát triển sản phẩm sát thực tiễn; nhà quản lý và các ngành liên quan làm căn cứ dự đoán, đề ra chính sách phù hợp.