Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh giá học sinh tiểu học:Chưa hết băn khoăn

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT (TT22) thay thế Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (TT30) nhằm khắc phục những hạn chế trong đánh giá học sinh (HS) tiểu học sẽ được áp dụng trong các nhà trường từ 6/11.

Song hiện tại vẫn còn những băn khoăn, ý kiến trái chiều của giáo viên (GV) về quy định tăng thêm bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt giữa kỳ đối với khối 4 và khối 5.
Điều chỉnh rõ hơn
Trao đổi với lãnh đạo các trường tiểu học thời điểm này, có thể thấy rõ những bất cập trong TT30 đã được khắc phục khi áp dụng TT22.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, những thay đổi căn bản trong TT22 đã tiết chế thời gian cho GV, nhất là những GV dạy mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... GV có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ HS trong quá trình dạy học. “Trước đây, điều khiến GV kêu nhiều nhất khi thực hiện TT30 là việc đánh giá HS. Có 2 mức đánh giá là hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu, nỗ lực của HS. TT22 đã khắc phục nhận xét bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Như vậy đã rõ ràng hơn, giúp HS, phụ huynh nhận biết con em mình học tập ở mức độ nào”. Cũng theo bà Mai, quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa năng lực, phẩm chất HS thành 3 mức: Tốt, đạt, cần cố gắng (thay cho 2 mức: Đạt và chưa đạt trước đây) được GV rất đồng tình, vì 3 mức này giúp GV, phụ huynh lượng hóa, nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả rèn luyện, phấn đấu của HS.

Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học Tự nhiên Xã hội. Ảnh: Phạm Hùng

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho rằng, đánh giá HS có 3 mức là hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, khiến GV dễ đánh giá hơn, phụ huynh cũng nhận thấy mức độ của con mình ở mức độ nào. “Ví dụ: Đạt, chưa đạt thì cháu đạt chỉ ở mức 5, 6 cũng ngang với cháu ở mức rất tốt. Nay đánh giá hoàn thành tốt đương nhiên phải ở mức 9, 10, còn hoàn thành ở mức 6, 7, 8, và chưa hoàn thành thì phụ huynh phải tự nhận thấy con mình còn những điểm yếu” - bà Hương phân tích.
Tăng 4 bài kiểm tra/năm có hợp lý?
Không phủ nhận những sửa đổi có lợi từ TT20, song bà Nguyễn Thị Vân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Nhàn (huyện Phú Xuyên) vẫn băn khoăn về quy định tăng thêm bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt giữa kỳ đối với khối 4 và khối 5, từ 2 lên 4 bài kiểm tra/môn/năm. Bởi như vậy, GV sẽ lại thêm việc. Bà Vân thẳng thắn: “Trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy có những mặt mạnh và có những hạn chế. Về vấn đề hồ sơ sổ sách có thể nhẹ đi, nhưng vẫn phải nhận xét đánh giá bằng lời nhiều". Nếu TT30 trước kia buộc GV phải ghi, thì nay với TT22, GV không nhất thiết phải ghi, nhưng không thể nói là GV nhẹ nhàng hơn. Vì trước một năm có 2 bài kiểm tra cuối kỳ 1, kỳ 2, nay lại có 4 bài đối với môn Toán, Tiếng Việt. "Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có những giải pháp hợp lý hơn, bởi ngoài việc đánh giá còn rất nhiều việc GV phải làm, trong đó có vấn đề chuẩn bị bài rất quan trọng” - cô Vân đề xuất.
Ngược lại quan điểm này, bà Mai lại cho rằng, 4 bài kiểm tra/năm là hợp lý và cần thiết. Tăng bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ ở lớp 4 và 5 là phù hợp, bởi lượng kiến thức rất lớn so với lớp 1, 2, 3. Thế nên, dù GV vất vả hơn cũng phải làm, vì sẽ tốt hơn cho HS. Nhất là với HS lớp 5, việc duy trì cách đánh giá, chấm điểm này giúp các con không bỡ ngỡ khi chuyển cấp (lớp 6). Hơn nữa, cách đánh giá này để HS, phụ huynh nhận ra những thiếu hụt kiến thức trong HS để GV có những điều chỉnh kịp thời, củng cố kiến thức cho HS.
Trước những băn khoăn của GV về TT22, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, ngay trong tháng 10, Bộ sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi nhằm làm rõ các vấn đề mà GV còn vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng có đào tạo GV tiểu học; Giám đốc các sở GD&ĐT triển khai tập huấn để trong quá trình triển khai thực hiện TT22 thực sự mang lại hiệu quả.