Đồng bộ đổi mới hệ thống chính trịGóp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, nhiều ý kiến đồng tình với những điểm mới trong chủ đề Đại hội. Đặc biệt thành tố được đề xuất là “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, đã bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Bởi Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Như vậy đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng trong hệ thống chính trịNhắc đến nội dung đổi mới hệ thống chính trị, PGS.TS Trần Hậu (Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của UB T.Ư MTTQ Việt Nam) nhận định: Đây là vấn đề lớn, đã được Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu đầy đủ việc đổi mới của từng thành tố của hệ thống: Đổi mới Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Điều đáng bổ sung là nhấn mạnh đổi mới cơ chế vận hành của cả hệ thống theo hướng "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Vấn đề đồng bộ lại được đặt ra, sao cho giữa ba bộ phận cấu thành này phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đúng chức năng nhằm phục vụ Nhân dân tốt nhất. Trong đó khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của Nhân dân.Cũng liên quan đến hoạt động của hệ thống chính trị, GS Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp Luật của UB T.Ư MTTQ Việt Nam) đề cập đến vấn đề tổ chức thi hành pháp luật chưa tương xứng với công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đề nghị đổi chữ “pháp chế” thành “pháp quyền”. Bởi vì pháp chế cũng là thượng tôn pháp luật, cũng là đề cao vai trò tuân thủ pháp luật. Pháp chế pháp luật đó mang nặng ý muốn chủ quan của nhà làm luật, của Nhà nước. Ngược lại pháp quyền pháp luật ra đời từ Nhân dân, từ đòi hỏi thực tiễn và đặt ra đó trước hết để ràng buộc Nhà nước, kiểm soát quyền lực Nhà nước rồi mới đến lượt điều chỉnh quan hệ với Nhân dân. Đề xuất mục riêng về phòng, chống tham nhũngQua góp ý, các ý kiến cũng chỉ ra, dư luận, người dân đang phấn khởi và mong muốn với Đại hội XIII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục triển khai quyết liệt, toàn diện và cũng mong những người có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, liêm khiết, tâm huyết, kiên quyết, kiên trì với cuộc chiến chống “quốc nạn” tham nhũng. Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào (UB MTTQ Việt Nam) Phạm Xuân Sơn, nên có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các Đại hội trước đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng, rõ ràng những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này là rất ấn tượng. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng toàn dân đối với Đảng và Nhà nước. “Trong phần Dự thảo Báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng rất mờ nhạt, mà theo dư luận điều mà người ta hân hoan nhất, phấn khích nhất không phải là những vấn đề khác mà chính là chống tham nhũng, chống quốc nạn này. Đa số người dân mong muốn công tác này tiếp tục triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người có bản lĩnh, có trí tuệ, có đạo đức, liêm khiết, kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng nên tiếp tục sự nghiệp này” - ông Phạm Xuân Sơn nóiGS Phan Trung Lý (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Trong khi đó theo PGS.TS Trần Hậu, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Chống tham nhũng bên cạnh việc kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn cũng không nên xem nhẹ chống tham nhũng vặt. Tuy là tham nhũng vặt, nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và lòng tin của họ không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn.