Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức: Rõ tiêu chí để tránh hình thức

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 20/8/2020, Nghị định 90/2020/NĐ-CP (thay thế hai Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP) về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có hiệu lực. Trao đổi về những điểm mới trong Nghị định này, các chuyên gia bày tỏ đồng tình, song cho rằng, để việc đánh giá CBCCVC ngày càng thực chất, không nặng tính hình thức như hiện nay, cần căn cứ vào những tiêu chí rất cụ thể.

Cán bộ Tư pháp UBND phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết TTHC cho công dân.
Người dân có thể biết kết quả đánh giá cán bộ
Theo Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) - cơ quan chủ trì soạn thảo, để phù hợp Luật hiện hành, điểm mới trong Nghị định này là nêu rõ các tiêu chí cụ thể để đánh giá CBCCVC (hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành nhiệm vụ) và không tiếp tục quy định mức "hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực". Các tiêu chí của từng mức cũng được xác định cụ thể, như để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì ngoài tiêu chuẩn đạo đức, lối sống..., CBCCVC phải hoàn thành mọi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao và ít nhất 50% công việc vượt yêu cầu. Đồng thời, quy trình thủ tục và thẩm quyền đánh giá cũng được hoàn thiện. Trong đó, thẩm quyền đánh giá gắn với người sử dụng cán bộ: Ở Bộ có Tổng cục, Bộ trưởng sẽ đánh giá Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng đánh giá Cục trưởng, Cục trưởng đánh giá các phòng, ban… Cùng đó, quy định về thẩm quyền, trình tự cũng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nghiêm túc nhưng không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Nghị định bỏ quy định "phải có sáng kiến, đề tài, đề án mới được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Theo Vụ Công chức Viên chức, việc bỏ này không có nghĩa không coi trọng sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của CBCCVC. Song nếu coi sáng kiến, đề tài, đề án là tiêu chí bắt buộc để được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì quá trình thực hiện vừa qua cho thấy rất hình thức, tốn kém, thậm chí khiến xuất hiện tình trạng "đạo sáng kiến", phạm pháp khi có những trang web nhận đặt hàng viết sáng kiến thuê. Bỏ quy định này nhưng quy trình đánh giá vẫn rất chặt chẽ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về số lượng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng đó, trước thực tế việc đánh giá CBCCVC còn hình thức, Nghị định quy định việc đánh giá CBCCVC phải bằng sản phẩm cụ thể để tránh cảm tính; người đánh giá bảo đảm công bằng, chính xác, không trù dập, thiên vị; đúng thẩm quyền quản lý.
Đáng chú ý, để tránh nể nang, Nghị định quy định cấp quản lý ngoài thông báo bằng văn bản cho CBCCVC còn phải công khai, minh bạch kết quả đánh giá xếp loại chất lượng trong cơ quan nơi CBCCVC công tác. Hình thức công khai do lãnh đạo quyết định và "ưu tiên áp dụng môi trường điện tử" - tức website của cơ quan, để không chỉ đồng nghiệp của CBCCVC nắm được mà người dân cũng có thể theo dõi. Phạm vi rộng hơn, con số đánh giá của ngành hàng năm sẽ được báo cáo Chính phủ, công khai từng bộ, ngành; người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá CBCCVC ngành mình.
Tiêu chí cần khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực
Đồng tình với những quy định mới này, các chuyên gia cho rằng, việc đánh giá CBCCVC phải đúng thì mới có tác dụng nâng hiệu quả công việc. Nếu đánh giá cảm tính, không căn cứ định lượng sẽ dẫn đến bè phái, không sử dụng được người tài. Do đó, cốt yếu là tiêu chí đánh giá phải cụ thể và khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực. Kết quả đánh giá được những người làm việc cùng và cộng đồng “tâm phục khẩu phục” thì mới là đánh giá đúng; tránh “vết xe đổ” ở không ít cơ quan, mọi đảng viên được đánh giá tiên tiến nhưng ra ngoài được người dân, báo chí phát hiện rất nhiều tham nhũng. Vì vậy, rất cần giao nhiệm vụ cụ thể, có tiêu chí đánh giá “cân đo đong đếm” được công việc càng tốt.
Đáng chú ý, quy định kết quả đánh giá chất lượng CBCCVC phải công khai trong đó "ưu tiên áp dụng môi trường điện tử", theo các chuyên gia là hoàn toàn cần thiết, bởi đây chính là cách để xã hội giám sát, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Nguyên đại biểu Quốc hội - TS Bùi Thị An cho rằng, kết quả đánh giá CBCCVC rất cần minh bạch cho mọi người cùng giám sát, bởi CBCCVC là người làm việc cho dân, cho cơ quan, chứ không cho ông thủ trưởng. Càng công khai thì càng đòi hỏi người đứng đầu làm đúng; chỉ công khai thì việc đánh giá mới chuẩn xác. Đó là nguyên tắc trong quản lý cán bộ. “Quy định công khai đến phạm vi nào cũng phải rõ. Kết quả đánh giá CBCCVC cần công khai trong toàn cơ quan, toàn chi bộ và cho nhiều người dân biết để góp ý giúp họ khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm" - TS Bùi Thị An bày tỏ.
Cùng đó, việc bỏ tiêu chí “phải có sáng kiến, đề án, đề tài mới được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được các chuyên gia nhận định hoàn toàn chính xác. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, không phải đơn vị nào năm nào cũng có đề tài và CBCCVC nào cũng có thể chủ nhiệm đề tài, vì số đề tài có hạn và vai trò chủ trì thường phải giao cho người có vị trí nhất định, nhất là với cơ quan hành chính. “Chủ nhiệm đề tài ít nhất là trưởng phòng, phó giám đốc phụ trách, chứ chuyên viên thường chỉ tham gia. Chỉ 1/3 - 1/2 số phòng, ban trong cơ quan được tham gia đề tài. Do đó, quy định này không thực tế” - nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ủng hộ quan điểm bỏ quy định này nhưng TS Bùi Thị An nhận định, cần nghiên cứu rất kỹ để bảo đảm phân loại đúng, qua đó mới có tác dụng thúc đẩy CBCCVC phấn đấu. “Bỏ quy định này nhưng cần làm thế nào đánh giá thực chất được, chứ không cứ báo cáo đạt tiêu chuẩn nhưng khi về thực tế không phải. Vấn đề là cần giao được nhiệm vụ cụ thể cho CBCCVC, trên cơ sở đó mới đánh giá xuất sắc hay không; nếu giao nhiệm vụ chung chung thì kể cả hoàn thành cũng không thể gọi là xuất sắc” - TS Bùi Thị An nói.
Để việc đánh giá CBCCVC thực chất hơn, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là tiêu chí đánh giá, cách phân loại càng cụ thể thì càng dễ thực hiện và cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu. “Không thể ào ào, nhìn nhau, mà người đứng đầu phải có bản lĩnh trong đánh giá, để không còn tình trạng tỷ lệ hoàn thành tốt và xuất sắc đạt tới 90 - 95% trên cả nước như hiện nay”- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Để xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 90/2020/NĐ-CP, quan trọng là liên quan đến đối tượng nào thì cần tham khảo ý kiến đối tượng đó và tham khảo nhiều ý kiến, để ban hành thông tư tổ chức thực hiện cho phù hợp; nếu không sẽ khiến Nghị định trở nên không khả thi.
Nguyên đại biểu Quốc hội - TS Bùi Thị An

Người đứng đầu có trách nhiệm từ giao nhiệm vụ đến kiểm nghiệm việc hoàn thành về chất lượng, tiến độ thực hiện của CBCCVC. Do đó, để đánh giá CBCCVC thực chất thì cùng với tiêu chí cụ thể, rất cần nâng cao hơn trách nhiệm người đứng đầu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh