Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Từ 41 hồ sơ đề cử ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử chính thức của Giải thưởng năm nay vào ngày 21/9/2022, gồm 10 đề cử, trên 3 hạng mục. Riêng đề cử Giải thưởng Lớn thì giữ bí mật đến phút chót.
Đạo diễn Trần Văn Thủy sinh năm 1940 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông xin học lớp Nhân loại học do Bộ Văn hóa tổ chức. Năm 1960, sau khi học xong, ông lên vùng Tây Bắc để nghiên cứu về các dân tộc ít người. Năm 1965, ông về Hà Nội học quay phim ở trường Sân khấu Điện ảnh. Sau đó, ông làm phóng viên chiến trường. Năm 1972, Trần Văn Thủy sang Nga học đạo diễn điện ảnh tại Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Nga (VGIK) ở Moskva. Từ năm 1977, ông về Việt Nam, làm việc tại Hãng phim Tài liệu T.Ư.
Năm nay, Giải thưởng Lớn vinh danh đạo diễn Trần Văn Thủy với những tác phẩm điện ảnh tài liệu. Ban tổ chức đánh giá “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” đã trở thành những giá trị mang tính biểu tượng, thành một di sản hình ảnh về Hà Nội, về một thời đầy khát khao đổi mới và khát khao những điều tử tế.
Phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” thực hiện năm 1982, bắt đầu với hình ảnh nghệ sĩ guitar khiếm thị Văn Vượng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Văn Vượng ước mong một lần được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của thành phố. Đan xen là câu chuyện về những nhân vật lịch sử gắn bó với mảnh đất thủ đô, địa danh nổi tiếng cùng khung cảnh sinh hoạt đời thường của người dân thời bao cấp. Phim còn ghi lại hình ảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh trên đường phố Hà Nội. Tác phẩm lên sóng năm 1987, sau thời gian dài bị cấm chiếu. Sau đó, phim đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1988.
“Chuyện tử tế” ra đời năm 1985, từng là hiện tượng phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm kể về chính những người làm phim chất vấn quá trình sản xuất phim tài liệu của họ. Tác phẩm thể hiện ý chí độc lập của các nhà làm phim với tư cách là nghệ sĩ, công dân và một con người. Chuyện tử tế cũng từng bị cấm chiếu bởi nội dung gai góc, phê phán hiện thực xã hội thời bao cấp. Sau khi được phát sóng, phim đoạt giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig năm 1992.
Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho cuốn sách Tranh dân gian Kim Hoàng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa. Cuốn sách là thành quả của dự án khôi phục và tôn vinh dòng tranh cổ Hà Nội từng thất truyền sau gần 70 năm. Công cuộc khôi phục cũng như làm sách này khó khăn do mộc bản của làng Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) bị lũ cuốn trôi khi vỡ đê hồi 1915. Thêm vào đó, dòng tranh cũng đã biến mất trên thị trường.
Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho việc nghiên cứu "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội do UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng và phối hợp thực hiện. Nghiên cứu hướng tới cải tạo chỉnh trang phần bãi bồi và bãi giữa sông Hồng là rất cần thiết để phát huy giá trị của cây xanh, cảnh quan mặt nước ở không gian này.
Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho việc bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp).
Trong khuôn khổ của Giải thưởng, Ban tổ chức cũng tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh, video clip “Hà Nội mát xanh”. Sau 10 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 ảnh, video dự thi. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất cho tác phẩm “Những “lá phổi xanh" của Hà Nội nhìn từ trên cao” của tác giả Vũ Minh Đức; 2 giải Nhì được trao cho “Phố xanh mùa nhớ!” của tác giả An Thành Đạt; “Vẻ đẹp những không gian xanh vô giá của Hà Nội” của tác giả Lê Việt Khánh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức trao 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.