Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng vẫn mang tính tự phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quan điểm về giáo dục định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, để nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, đã được bàn luận ở nhiều góc độ trong hội thảo "Nhiệm vụ và tầm nhìn của trường ĐH về giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng tại Việt Nam" diễn ra sáng 21/11 tại Hà Nội.

Thói quen trọng bằng cấp

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 nhấn mạnh mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo, đạt tỷ lệ 200 sinh viên (SV)/10.000 dân vào năm 2010 và 450 SV/10.000 dân vào năm 2020. Trong đó, khoảng 70 - 80% tổng số SV theo học các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất ít trường làm được điều này vì "vướng" nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan.

Trong Luật Giáo dục ĐH vừa được Quốc hội thông qua có nội dung mới là chính sách phân tầng giáo dục ĐH theo 3 hướng: Định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Nhưng hiện tại, chỉ có 8 trường ĐH trên cả nước là ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Nông nghiệp Hà Nội; ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên… tham gia vào Dự án chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE).

Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng vẫn mang tính tự phát - Ảnh 1

Giờ thực hành của sinh viên trường Đại học KH&CN Hà Nội. Ảnh Ngọc Bích

Lãnh đạo các trường ĐH tham gia POHE đều cho rằng, cách đào tạo này có nhiều điểm tiến bộ như trình độ, khả năng làm việc của SV ra trường đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhưng vấn đề này không dễ thực hiện. Đại diện ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) phân tích: Tham gia đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, các nhà quản lý, giảng viên đều đề cập đến tâm lý và thói quen trọng bằng cấp trong xã hội và thói quen quan tâm nhiều đến "bảng điểm" hơn là tay nghề và khả năng thực sự của SV ra trường. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của SV tham gia POHE sau khi ra trường. Bởi SV tham gia POHE được tập trung đào tạo khả năng thực hành, bài tập nhóm, còn các SV học chương trình truyền thống chủ yếu học lý thuyết, đánh giá qua thi cử và điểm số. Thế nên, SV tham gia POHE để có một bảng điểm đẹp khó hơn nhiều so với SV học cách học truyền thống.

Rào cản từ học phí

Bên cạnh tâm lý trọng bằng cấp, mức học phí cũng đang là rào cản khiến số SV tham gia đào tạo theo chương trình POHE còn khiêm tốn. Đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Học phí những chương trình truyền thống thấp hơn nhiều lần so với học phí của chương trình POHE. Do vậy, những trường ĐH tham gia đào tạo theo POHE đang phải đối mặt với khó khăn khi triển khai chương trình này.

Một vấn đề khá quan trọng cản trở sự phát triển của POHE là phương thức đào tạo này khác cách đào tạo truyền thống của đa số các trường. Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, để thúc đẩy giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp - ứng dụng phát triển đã có nhiều chính sách như: Phân tầng giáo dục ĐH, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH… nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Thêm vào đó, nhiều trường thể hiện rõ định hướng nghiên cứu hàn lâm, mà nghiên cứu hàn lâm và thực hành nghề nghiệp là hai định hướng hoàn toàn khác nhau.

Từ thực tế đào tạo, một giảng viên ĐH Nông nghiệp I Hà Nội tham gia giảng dạy theo chương trình này thẳng thắn cho rằng, hiện chưa có chính sách hay quy định về việc liên hệ và gắn kết với thị trường lao động, bồi dưỡng và thù lao cho giáo viên. Các hoạt động đào tạo hay đổi mới hiện nay đều mang tính chất tự phát, không xuất phát từ chính sách khuyến khích lao động của trường.