Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đập thuỷ điện Trung Quốc chậm xả nước, Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn nghiêm trọng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 28/2, Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo về tình hình nguồn nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 Một đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông. Ảnh minh hoạ. 
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông có xu thế giảm trong những tuần qua của tháng 2/2020. Điều này khiến trong tuần từ 22 – 28/2, xâm nhập mặn tại các cửa sông phổ biến tăng theo kỳ triều cường.
Trước diễn biến trên, ngày 20/2/2020, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Kông – Lan Thương tại Lào, ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố: Các đập thuỷ điện Trung Quốc trên sông Mê Kông sẽ xả nước để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn.
Tuy nhiên đến nay, sau tuyên bố nhiều ngày, mực nước sông Mê Kông tại Chiang Sean phía sau Đập Cảnh Hồng (nước về Cảnh Hồng từ Chiang Sean là từ 2 – 3 ngày) vẫn chưa có sự biến đổi. Việc xả nước chưa diễn biến như tuyên bố.
Tổng cục Thuỷ lợi cũng cho biết thêm, so với hai năm gần nhất là 2018, 2019, việc vận hành xả nước của các đập thuỷ điện Trung Quốc đã chậm hơn khoảng 15 ngày. Theo thông lệ, các đập thường xả nước vào giữa tháng 2 hàng năm.
Khó khăn về nguồn nước đang khiến hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, tổng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và vụ Đông Xuân 2019 – 2020 khoảng gần 39.000ha.
Cùng với đó, có khoảng 88.300 hộ dân thuộc các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sóc Trăng với 24.000 hộ dân, tiếp đến là Cà Mau 20.500 hộ dân, Bến Tre 12.700 hộ dân…