Đất đang thế chấp có được lập di chúc không?

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bố tôi trước khi mất đã để lại di chúc chia đều 300m2 đất cho các con. Tuy nhiên, thửa đất nói trên được bố tôi thế chấp cho ngân hàng để vay 3 tỷ đồng và phía ngân hàng cho rằng, di chúc bố tôi lập không có giá trị pháp lý vì phần di sản được định đoạt trong di chúc đã được thế chấp cho ngân hàng. Xin hỏi, đất đang thế chấp có được lập di chúc không và ngân hàng thông tin như vậy có đúng quy định pháp luật không? Nguyễn Thị Thùy, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trả lời:
Căn cứ theo Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Hợp đồng đã được hoàn thành; theo thỏa thuận của các bên; cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện... Căn cứ theo quy định này và thông tin bạn cung cấp, việc bố bạn thế chấp quyền sử dụng đất đứng tên mình tại ngân hàng và đã mất không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thế chấp. Đối với trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng mất thì hợp đồng chỉ chấm dứt hiệu lực khi hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện.

Cùng đó, pháp luật dân sự hiện hành không có quy định nào cấm việc chia di sản thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng. Vì vậy, khi bố bạn mất, việc chia thừa kế theo di chúc được thực hiện một cách bình thường. Việc ngân hàng cho rằng di chúc bố bạn đã lập không có giá trị pháp lý vì phần di sản được định đoạt trong di chúc đã được thế chấp cho ngân hàng là không đúng.

Ngoài ra, hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản của bố bạn và ngân hàng vẫn đang còn hiệu lực. Do đó, bạn và những người đồng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo như quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó, những người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thế chấp với ngân hàng hoặc thỏa thuận với nhau để một trong ba người đại diện thực hiện tiếp hợp đồng này. Điều này đồng nghĩa với việc lợi ích hợp pháp của các bên và cả ngân hàng đều sẽ không bị ảnh hưởng.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn