Dầu thô của Nga vẫn được bơm sang Ukraine: Cách nào?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 1 đến tháng 11/2022, lượng nhiên liệu gốc gác từ Nga được xuất sang Ukraine tăng 1.000 lần so với một năm trước đó.

Chính phủ Bulgaria vừa cho biết nước này sẽ cung cấp các sản phẩm dầu tinh chế làm từ dầu thô của Nga cho Ukraine.

Bulgaria đã được EU miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển cho đến cuối năm 2024. Ảnh: Getty
Bulgaria đã được EU miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển cho đến cuối năm 2024. Ảnh: Getty

Bulgaria đã được Liên minh châu Âu (EU) miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển cho đến cuối năm 2024. Nước thành viên EU này cũng được cấp độc quyền xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ dầu Urals của Nga sang nước thứ ba.

“Điều này là cần thiết để hạn chế rủi ro về môi trường và an toàn, vì những sản phẩm như vậy không thể được lưu trữ an toàn trong nước” - tuyên bố của Chính phủ Bulgaria nêu rõ.

Theo dữ liệu của Euroactiv, Bulgaria chủ yếu xuất khẩu gas oil - nhiên liệu diesel - sang Ukraine, chiếm tới 90% tổng lượng hàng tới nước này. Diesel được sử dụng trong công nghiệp nặng, làm nhiên liệu máy móc, máy phát điện và xe địa hình, cũng như trong nông nghiệp và vận tải hàng hải.

Nhiên liệu này được sản xuất tại nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria, thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất của Nga, Lukoil. Nhà máy chủ yếu dùng dầu Nga nhập qua Biển Đen.

Euroactiv trích dẫn dữ liệu từ Viện Thống kê Quốc gia Bulgaria cho biết, từ tháng 1 đến tháng 11/2022, Bulgaria đã xuất khẩu lượng nhiên liệu trị giá 700 triệu euro (769 triệu USD) từ dầu mỏ của Nga sang Ukraine. Con số này cao hơn 1.000 lần so với tổng lượng nhiên liệu được giao vào năm 2021.

Số liệu thống kê của Bulgaria cho thấy Ukraine hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này về nguồn cung cấp nhiên liệu, thay thế Mỹ.

Trong khi đó, công ty dầu mỏ Nga Lukoil bác bỏ cáo buộc giao hàng, khẳng định rằng nhà máy lọc dầu của công ty ở Burgas, Bulgaria không cung cấp bất kỳ nhiên liệu nào cho Ukraine. Công ty Nga cho biết họ bán nhiên liệu cho gần 500 công ty Bulgaria và không hợp tác với Ukraine.

Theo kế hoạch, từ ngày 5/2, lệnh cấm của EU nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ Nga như dầu diesel và dầu hỏa có hiệu lực.

Các nước EU sẽ tìm kiếm một thỏa thuận liên quan đến đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp giá trần cho các sản phẩm dầu Nga, sau khi có sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.

Hồi tuần trước, EC đã đề xuất từ 5/2 áp mức giá trần là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu nhiên liệu.

Reuters dẫn lời 3 nhà ngoại giao EU cho biết mức giá trần phải được toàn bộ 27 thành viên EU thông qua. Do đó, đại diện các nước sẽ nhóm họp vào ngày 3/2 để đạt đồng thuận.

Các nhà ngoại giao trên cho biết Ba Lan và 3 nước vùng Baltic vẫn đang thúc ép để có mức giá trần thấp hơn nhằm hạn chế doanh thu nhiên liệu của Nga càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, EU bị giới hạn trong việc thay đổi mức giá trần vì đây là một thỏa thuận lớn giữa các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga và biện pháp áp trần giá dự kiến được đưa ra vào ngày 5/2 là dựa trên mức giá trần 60 USD/thùng được áp dụng từ ngày 5/12 trong bối cảnh EU và các nước G7 tìm cách hạn chế khả năng thu lợi nhuận của Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần