Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư chất lượng giống cho chăn nuôi bò thịt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù TP đã có chính sách hỗ trợ cải tạo giống bò thịt tại các huyện ngoại thành trong những năm qua, song đến nay kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) trên đàn bò thịt đạt thấp, chất lượng giống còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả chăn nuôi.

Nhiều hạn chế

Huyện Sóc Sơn có 32.600 con bò, trong đó bò thịt khoảng 16.000 con, số còn lại là bò cái sinh sản và bò đực giống. Thực hiện chương trình TTNT do TP triển khai, huyện đã thông báo rộng rãi chính sách hỗ trợ tới người dân. Từ năm 2010 đến nay, tổng số bò cái được TTNT các giống Droughmaster, BBB, Angus của huyện đạt hơn 22.300 con. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, giá bán cao hơn 2,5 - 3 triệu đồng/con so với giống địa phương và bê lai sind, còn thu từ bán thịt cũng tăng 4 - 6 triệu đồng/con. Tuy nhiên, theo bà Tạ Thị Lừng - Phó Trưởng phòng Kinh tế Sóc Sơn, tỷ lệ TTNT trên đàn bò của huyện mới đạt gần 30%. Hơn nữa chăn nuôi chủ yếu còn phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình nên chất lượng, sức cạnh tranh chưa cao. Đây cũng là tồn tại chung của các địa phương khác trong chăn nuôi bò thịt.
 
Chăn nuôi bò thịt tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. 	Ảnh: Quang Thiện
Chăn nuôi bò thịt tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, tổng đàn bò thịt, bò sinh sản của TP là gần 129.000 con. Sau chương trình sind hóa đàn bò và cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt giai đoạn 2001 - 2005, TP tiếp tục hỗ trợ các giống bò ngoại thuần theo hướng chuyên thịt có năng suất, chất lượng cao. Từ năm 2010 đến nay, đã có khoảng 117.400 con bò cái được phối giống miễn phí bằng tinh bò đực Brahman, BBB, Angus tại 17 huyện, thị xã. Mặc dù vậy, tỷ lệ TTNT trên đàn bò thịt còn thấp so với yêu cầu sản xuất, hiện mới đạt 44%.Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, một số địa phương do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, chưa nhận thức được rõ lợi ích của công tác cải tạo chất lượng giống bò. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi bò thịt còn nhỏ lẻ.

Xây dựng vùng sản xuất giống

Theo thống kê, nhu cầu thịt bò của TP cần khoảng 100.000 tấn, trong khi đó sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được 9,6%, còn lại phải nhập khẩu. Do đó, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, Sở NN&PTNT đã quy hoạch đến năm 2020, phát triển đàn bò thịt toàn TP đạt 150.000 - 155.000 con, tập trung tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn. Trong đó, phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô từ 100 con trở lên và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt, vấn đề quan trọng là cải tạo chất lượng nguồn giống bò.

Xác định được vai trò của công tác giống, ngành nông nghiệp TP đã định hướng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống bò thịt, dùng bò cái nền là bò lai sind sau đó đưa vào lai tạo các giống bò siêu thịt chất lượng cao. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tập trung làm tốt công tác giống, cụ thể là tiếp tục hỗ trợ TTNT cho bò. Đồng thời tăng cường quản lý đàn bò cái tại các địa phương thông qua công tác bình tuyển, đánh giá chất lượng giống. Cùng với đó quan tâm đào tạo, tập huấn cho đội ngũ dẫn tinh viên tại cơ sở.

 
Theo mục tiêu, đến năm 2015 tỷ lệ TTNT trên đàn bò thịt của TP đạt 60% và đến năm 2020 đạt 80%. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đề xuất TP dành kinh phí cho công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò.