Chị Dung thân mến!
Từ đầu năm 2019 đến nay, khi Nhà nước thực hiện việc thanh tra, rà soát các dự án BĐS, siết chặt cấp phép đầu tư các dự án; đồng thời cắt giảm nguồn tín dụng ngắn hạn cho DN vay trung, dài hạn, nâng cao hệ số rủi ro gấp 3 lần trước đây dành cho khách hàng cá nhân khi có nhu cầu vay vốn (từ 3 tỷ đồng trở lên) để mua BĐS, đã khiến cho thị trường bị chững lại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những động thái can thiệp nêu trên vào thị trường BĐS nhằm mục đích thanh lọc nhà đầu tư, lựa chọn những nhà đầu tư uy tín, đủ năng lực để phát triển các dự án, đảm bảo sự bền vững trong quá trình phát triển và lợi ích của người dân.
Thực tế, BĐS vẫn là một kênh đầu tư dễ sinh lời.
Trong tương lai, do quá trình đô thị hóa và dân số tăng cơ học nhanh, quỹ đất bị thu hẹp nên giá trị nhiều sản phẩm BĐS vẫn tăng. Tùy từng thời điểm mà giá BĐS tăng cao hay thấp. Số liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, các sản phẩm căn hộ hạng trung, có giá bán từ 25 – 35 triệu đồng/m2 là dòng sản phẩm có mức hấp thụ tốt nhất trên thị trường, chiếm khoảng 70% số giao dịch. Đây cũng là dòng sản phẩm được các nhà phát triển BĐS đưa ra thị trường nhiều nhất, mức giá bán phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Các chuyên gia cũng nhận định, dòng sản phẩm căn hộ trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và có tính thanh khoản cao trong thời gian tới đây. Để đảm bảo đầu tư có lãi ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ về khả năng tài chính. Nếu phải đi vay ngân hàng sẽ phải chịu mức chênh lệch do lãi suất, áp lực về kỳ hạn thanh toán, dễ xảy ra tình trạng bán “lúa non” không có lợi nhuận. Nhưng nếu đầu tư bằng tiền nhàn rỗi sẽ giảm rủi ro và yên tâm đầu tư trong dài hạn, đồng thời sẽ đảm bảo được lợi nhuận.
Chúc chị thành công!