Đầy ắp kỷ niệm Hà Nội xưa

Mai Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên trong vẻ ngoài cũ kỹ, hằn dấu vết thời gian của các khu tập thể cũ, vẫn còn đó những giá trị vô giá, là nơi lưu giữ nhiều ký ức về nếp sinh hoạt cũ gắn liền với lịch sử hơn nửa thế kỷ thăng trầm của đất và người Hà Nội...

Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Duy Luân)
Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Duy Luân)

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, kết thúc cuộc kháng chiến giành độc lập, từ năm 1955, miền Bắc và Thủ đô Hà Nội bắt đầu công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Bên cạnh các công trình như nhà máy, xí nghiệp, cầu cống, đường sá… những khu tập thể bao gồm hàng chục tòa nhà cao từ hai đến năm tầng như: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự,… được xây dựng theo mô hình tiểu khu nhà ở khép kín của Liên Xô, trở thành nơi chốn đi về của biết bao gia đình.

Trong mỗi tòa nhà, tầng nhà ấy, vài gia đình chung một khu bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, các dịch vụ công cộng khác như nhà ăn, trường học, nhà trẻ, cửa hàng bách hóa, nhu yếu phẩm… cũng được sử dụng chung. Những người hàng xóm, láng giềng chia sẻ với nhau từ những nhu yếu phẩm thường ngày.

Cũng chính đặc điểm này mà những người dân ở các khu tập thể sống gần gũi, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau tạo thành nét văn hóa cộng đồng gắn kết mà chỉ các khu tập thể mới có. Nơi đây trở thành những hoài niệm của cả một thế hệ như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Ngày nay, tôi vẫn tìm lại được mảnh ký ức đáng quý của người Hà Nội xưa trong các tác phẩm nghệ thuật, hội họa, phim ảnh hay có lần bắt gặp trong những sự kiện như: Triển lãm “Hà Nội thời bao cấp”, Triển lãm tranh ký họa “Tập thể Hà Nội – Ký họa & hồi ức”; những nhà hàng “Mậu dịch quốc doanh”, những quán cà phê khu tập thể cũ… Chúng tôi lớn lên, được nghe ông bà, bố mẹ kể cho nghe về thời ăn cơm độn khoai, sắn, đứng xếp hàng ở quầy mậu dịch, tranh nhau mua miếng thịt mỡ... có lúc thấy hoài nghi.

Chính những triển lãm tranh, hay những quán cà phê trong không gian cũ, ngắm nhìn những khu tập thể cũ kỹ thấy mình như được nối gần hơn khoảng cách thế hệ. Đơn giản là, ngắm nhìn những công trình, kiến trúc ấy, chúng tôi thêm hiểu và yêu thương bố mẹ nhiều hơn, cũng như yêu thương một giai đoạn khó khăn nhưng đầy ắp kỷ niệm của Hà Nội.

Đặt trong bối cảnh thời bấy giờ, khi xã hội còn nghèo, người dân còn nhiều thiếu thốn, các khu tập thể là chứng tích lịch sử cho một giai đoạn phát triển của Hà Nội, là thể hiện cho những chính sách mang tính nhân văn, vì phúc lợi của những con người lao động của Đảng và Nhà nước thời bấy giờ. Mọi người dân đều được chăm lo những điều kiện sống cơ bản một cách bình đẳng, bất kể họ ở địa vị xã hội nào.

Đến bây giờ, các khu tập thể cũ thời bao cấp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và vẫn mang trong mình những giá trị vật chất và tinh thần đáng được ghi nhận. Không ai có thể phủ nhận, đây là mô hình nhà ở ngự trị suốt nửa thế kỷ phát triển đô thị Việt Nam, nếu bị lãng quên sẽ là một khoảng trống, một sự đứt đoạn trong dòng chảy lịch sử ấy.

Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, những khu tập thể cũ ở Hà Nội vẫn lặng lẽ ẩn mình giữa đô thị hiện đại. Với không ít người, đó vẫn là những ký ức, là chứng tích khó quên… để thể hệ hôm nay được nhắc nhở và thấu hiểu và giá trị vật thể, giá trị văn hóa, lịch sử một thời khó khăn nhưng đáng nhớ, đáng tự hào của Hà Nội.