Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đây là thời điểm rất tốt thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan

Vietnam Plus
Chia sẻ Zalo

Tiếp xúc với các doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan.

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 12/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) và Phòng Thương mại Hà Lan-Việt Nam (NVCC); tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Hà Lan.

Trong cuộc làm việc với Thủ tướng, ông Joost Vrancken Peeters, Chủ tịch NVCC và DBAV cho biết, DBAV và NVCC là các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam. DBAV và NVCC hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999 và hiện có hơn 150 doanh nghiệp thành viên. 

DBAV và NVCC đã hỗ trợ doanh nghiệp Hà Lan đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thông qua nhiều hoạt động như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức sự kiện kết nối doanh nghiệp hai bên và đào tạo nhà khởi nghiệp trẻ Việt Nam. DBAV và NVCC kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của DBAV và NVCC trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn Hà Lan đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai bên; cảm ơn các doanh nghiệp Hà Lan đã đồng hành cùng Việt Nam trong hơn 2 năm phòng chống dịch, góp phần củng cố quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy đầu tư giữa hai nước, đề nghị DBAV và NVCC với hiểu biết về Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư tại Việt Nam với tinh thần ‘người đi trước hỗ trợ người đi sau, người đi sau thành công hơn người đi trước,’ nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng xanh, sạch, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, cơ sở hạ tầng...; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ để các doanh nghiệp Hà Lan tin tưởng, đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và Hà Lan theo hướng hiệu quả, hai bên cùng có lợi.

Với các vấn đề được DBAV và NVCC đề cập, Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan tích cực xem xét, khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền; đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục nêu rõ các đề xuất, kiến nghị với phía Việt Nam, kể cả gửi trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp ông Evert Lichtenbelt, CEO và bà Rosanne van Miltenburg, Giám đốc kinh doanh vùng của Tập đoàn Harvest Waste - Công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải và sản xuất điện từ chất thải, đang nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án nhà máy sản xuất điện sử dụng chất thải tại tỉnh Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ý tưởng, kế hoạch đầu tư của Harvest Waste tại Việt Nam.

Với tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh thời gian qua và được dự báo tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, nhu cầu xử lý chất thải, rác thải của Việt Nam sẽ tăng cao.

Thủ tướng đề nghị Harvest Waste tiếp tục nghiên cứu, phát triển và sử dụng các sản phẩm công nghệ cao, hiện đại cho các dự án tại Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương để thực hiện hiệu quả và đúng tiến độ các dự án đang được triển khai; nếu hiệu quả thì tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư các dự án tại Việt Nam trên tinh thần “cùng thắng.”

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Co de Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus cho biết Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng và sản xuất thức ăn chăn nuôi, là một trong 15 nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. Đến nay, De Heus có hơn 90 nhà máy tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Công ty TNHH De Heus Việt Nam có tổng vốn đầu tư lũy kế trên 1 tỷ USD, doanh thu năm 2022 ước đạt 2 tỷ USD. De Heus có kế hoạch mở rộng đầu tư, hợp tác với các đối tác trong nước để phát triển chuỗi giá trị dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi.

Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp tích cực và hiệu quả của De Heus tại Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của De Heus về kế hoạch đẩy mạnh phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển mô hình công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam; phát triển giống gia súc, gia cầm chất lượng cao và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu nội địa cung cấp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua mô hình hợp tác xã. 

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn De Heus phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai, thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, người nông dân...; đề xuất các chính sách, sáng kiến phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó có mặt hàng ngô.

Tiếp ông Alfons van Gulic, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nedspice - hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm gia vị, hương liệu, rau củ sấy khô, hiện có 4 nhà máy tại Việt Nam, Ấn Độ và mạng lưới phân phối tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Nedspice đã tích cực liên kết, hỗ trợ nông dân Việt Nam trong thời gian qua, phát triển vùng trồng, góp phần đưa nông dân Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của Nedspice về các giải pháp tiếp tục phát triển ngành hạt tiêu tại Việt Nam, đặc biệt là việc tiếp cận theo hướng tổng thể, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân, người tiêu dùng, môi trường, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ưu tiên nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng đề nghị Nedspice phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương liên quan tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong ngành hàng hồ tiêu, đóng góp vào chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.

Trong cuộc gặp Thủ tướng, lãnh đạo tập đoàn Climate Fund Manager cho biết trong 4 năm qua đã đầu tư 430 triệu USD tại Việt Nam; Tập đoàn mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu, xử lý nước thải...

Thủ tướng dành thời gian giải đáp câu hỏi của tập đoàn này liên quan tới giá điện gió tại Việt Nam. Theo Thủ tướng, những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, song hiện nay giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác.

Do đó phải xem xét lại việc đầu tư điện năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là về giá điện gió, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.