Đẩy mạnh công tác dân vận trong thực hiện dự án trọng điểm của Thành phố

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/10, Ban Dân vận Thành uỷ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác dân vận 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Đẩy mạnh dân vận trong việc mới, việc khó

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, hệ thống dân vận TP đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác và chủ đề công tác năm 2023 của TP đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Nổi bật, Ban Dân vận Thành ủy, ban dân vận các quận/huyện/thị ủy, bộ phận đã tham mưu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP về công tác dân vận phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, quá trình triển khai gắn với thực hiện chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của TP. Đặc biệt là tích cực tham gia tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của TP.

Đối với việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Chỉ đạo TP đã tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra QCDC tại 15 đơn vị quận, huyện, sở, ngành, xã, phường, thị trấn và ban hành thông báo kết luận sau kiểm tra. Tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh. Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC từ cấp huyện đến cơ sở đã bám sát chương trình của Ban Chỉ đạo TP về nội dung trọng tâm công tác và đã chủ động triển khai thực hiện một số nội dung theo kế hoạch, chương trình đạt nhiều kết quả.

Ngoài ra, Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân tộc TP thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đối với việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay, tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp TP được đăng ký triển khai là 13.663 mô hình. Ban Dân vận Thành ủy đã tổng hợp, đề xuất UBND TP khen thưởng các mô hình Dân vận khéo tiêu biểu năm 2023. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tại các khu dân cư đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở và góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Hội thi “Dân vận khéo” và Ngày hội “Dân vận khéo” được tổ chức ở một số địa phương, đơn vị đã tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên cán bộ dân vận tiếp tục nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Nâng cao chất lượng công tác dân vận

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP 9 tháng đầu năm 2023 được giữ vững và ổn định, nhất là việc thực hiện các dự án trọng điểm của TP. Trong kết quả chung của TP có đóng góp của công tác dân vận, nhất tuyên truyền, vận động người dân để tạo đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chung của TP.

 

Tại hội nghị, Ban Dân vận Thành uỷ đã tổ chức ôn lại truyền thống vẻ vang 93 năm công tác Dân vận của Đảng để thêm tự hào về Đảng ta, vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lực chọn. Tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất của cán bộ dân vận “óc nghĩ, mặt trông, chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm” và tinh thần xả thân cống hiến vì Nhân dân phục vụ.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ đề nghị, hệ thống dân vận các cấp của TP nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nắm tình hình thực tiễn. Đa dạng hóa cách tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền để góp phần tạo sự đồng thuận. Quan tâm phối hợp với các cơ quan báo chí để tạo sự ổn định trong công tác vận động.

Ngoài ra, xây dựng các kênh thông tin chọn lọc và phối hợp chặt chẽ với MTTQ cùng các đoàn thể chính trị - xã hội TP trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc, khó khăn cần báo cáo Ban Dân vận Thành uỷ để kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận theo hướng thực chất, hiệu quả. Chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc tăng cường giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân.

Đồng thời, nhân rộng, xây dựng và lan tỏa các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP; Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CHCN trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới.