Triển khai 50 mô hình dân vận khéo
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Kỳ Long cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện công tác dân vận có trọng tâm trên nhiều mặt công tác. Trong đó phong trào “Dân vận khéo” đã đưa công tác dân vận tại các đơn vị thuộc Sở được triển khai hiệu quả hơn, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nói chung, trong các phong trào thi đua, trong các các lĩnh vực trực tiếp giải quyết các vấn đề có tính nhạy cảm với công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các vấn đề có liên quan tới quyền lợi trực tiếp của công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Cũng theo Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường, thực tế đã cho thấy có nhiều cán bộ, đảng viên có khả năng nổi trội trong các hoạt động dân vận và không chỉ thể hiện đối với phong trào “Dân vận khéo” mà được thể hiện thường xuyên trong các hoạt động hàng ngày, tuy nhiên trong tâm thức không cho đó là “Dân vận khéo”.
Khi phong trào “Dân vận khéo” được phát động cũng là động lực phát huy tính chủ động, tính tích cực trong mỗi cá nhân, phát huy hết khả năng của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Sở. Từ năm 2021 đến nay, Đảng ủy Sở đã triển khai đăng ký và thực hiện 50 mô hình dân vận khéo, với trọng tâm là Dân vận khéo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội…
Trao đổi thêm với Đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái cho biết, với một bộ máy không đông nhưng một năm Sở tiếp nhận khối lượng công việc tương đối lớn, hơn 45.000 văn bản/năm. Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác kiểm tra, giám sát được Sở tổ chức chỉ đạo, quán triệt sâu rộng. Đảng ủy Sở, thường xuyên lắng nghe những ý kiến của các cán bộ, các phòng, ban chuyên môn trong Sở. Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với các quận, huyện để nắm bắt tình hình, phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường, đặc biệt trong việc phân cấp uỷ quyền giải quyết các thủ tục hành chính…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra cơ bản thống nhất với báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thời trao đổi thêm về một số nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành phố về công tác dân vận; công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số SIPAS; đề nghị Sở bổ sung, làm rõ hơn công tác tuyên truyền, việc biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao…
Nâng cao nhận thức của cán bộ về công tác dân vận
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác dân vận của Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Đây là cố gắng rất lớn của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở trong thời gian vừa qua; có sự phân công công việc rất cụ thể; các tổ chức đoàn thể trong Sở đã quan tâm và chỉ đạo sâu sát, nhận thức đúng vai trò, vị trí của công tác dân vận nên đã có những chủ trương, nội dung phương pháp triển khai nhiệm vụ thi đua ở đơn vị khá tích cực…
Nhấn mạnh một số kết quả đạt được trong công tác dân vận, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế theo báo cáo của đơn vị và đánh giá của đoàn kiểm tra. Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận kiểm tra về Ban Dân vận Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố.
Đồng thời, quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cho người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về công tác dân vận chính quyền; thực hiện nghiêm túc đạo đức công vụ; Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Sở...
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, phân công người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện chế độ tiếp công dân; nâng cao phân cấp uỷ quyền, giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của nhân dân về công tác quản lý, điều hành; việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân…