Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh giám sát từ cộng đồng: Minh bạch, đồng thuận hơn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là công tác giám sát tại cơ sở, cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

 Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai giám sát công tác cải cách hành chính tại bộ phận một cửa xã Đỗ Động. Ảnh: Bá Hoạt
Xác định đây chính là giải pháp quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, thời gian qua, Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền của người dân. Trong đó có những khoản đóng góp từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới..., bảo đảm nguyên tắc dân chủ, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp, có giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra Nhân dân. Tại nhiều địa phương, nhờ làm tốt công tác này đã không để xảy ra tình trạng người dân có đơn, thư khiếu nại, đặc biệt khi triển khai các công trình công cộng. Khi triển khai các dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, dân sinh liên quan trực tiếp đến quyền của người dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường chủ động phối hợp chủ đầu tư và đơn vị thi công tổ chức họp các hộ dân có liên quan để tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, các hộ dân đều đồng tình hưởng ứng. Qua giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng kiến nghị đơn vị thi công những vấn đề liên quan, hoặc khắc phục, hoàn trả mặt bằng, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội TP cũng tập trung giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị…; giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Công tác giám sát tại cộng đồng dân cư cũng được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức hơn 32.000 cuộc giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức gần 25.000 cuộc giám sát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, kiến nghị thu hồi hơn 252.000m2 đất và hơn 15 tỷ đồng. LĐLĐ TP phối hợp tổ chức hơn 1.000 cuộc giám sát tại các DN, kiến nghị truy thu hơn 450 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT. Các cấp hội nông dân đã phối hợp tổ chức 3.615 cuộc giám sát cấp huyện, thị xã; 7.605 cuộc giám sát cấp xã, thị trấn những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên và nông dân.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương, dù đạt những kết quả nổi bật nhưng qua đánh giá 5 năm thực hiện Quyết định này, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục sớm trong công tác giám sát. Đó là một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác giám sát ở một số địa phương chưa được tổ chức thường xuyên, còn chồng chéo, kết luận giám sát vẫn phụ thuộc nhiều vào báo cáo. Công tác hậu giám sát, phản biện xã hội, cũng như việc tiếp thu ý kiến và phản hồi của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế ấy, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Việc quan tâm kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngay từ cơ sở để công tác giám sát bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao cũng là yêu cầu đã được quán triệt.