Trong giai đoạn 2011-2020, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Hội Khuyến học Việt Nam và các bộ, ngành tích cực triển khai tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục và các cấp hội khuyến học đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và họcĐể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, xây dựng các khóa học trực tuyến mở, đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học; đa dạng hóa nội dung giáo dục, đào tạo, đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội trong tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn.
Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương; rà soát, hoàn thiện quy chế kiểm tra, công nhận kết quả học tập giáo dục thường xuyên. Huy động đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành giáo dục chủ động, tích cực tham gia xây dựng và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở và tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.Nghiên cứu đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả và tổ chức thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng trong cả nước.Tăng cường công tác chỉ đạo và đề ra những giải pháp thiết thực nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ; chú trọng đối tượng là người mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc, bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.Đồng thời, đẩy mạnh liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; rà soát các quy định theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định chưa thực sự tạo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo nhằm huy động, tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy nghề nghiệp và tham gia giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới và các giải pháp phù hợp trong hoạt động dạy và học để chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh.Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tậpHội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập trong xã hội giai đoạn 2021-2030 phù hợp với thực tiễn triển khai ở các địa phương trong cả nước; nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập và tổ chức thí điểm để triển khai nhân rộng trong cả nước.Đồng thời, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021-2030” theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình học tập; tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu và trong lực lượng vũ trang, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp trong cả nước.Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa họcThủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.Xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp, công ty; đào tạo nghề gắn với ngành nghề truyền thống, gắn với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động rà soát và phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định có liên quan về giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người học vừa được học nghề vừa có cơ hội học tập liên thông nâng cao trình độ. Tham gia 'Thành phố học tập toàn cầu'UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 các cấp ở địa phương theo hướng thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo thực hiện việc đánh giá, xếp loại, công nhận các mô hình học tập trong xã hội một cách thiết thực, hiệu quả. Chủ động đăng ký, lựa chọn và đề xuất các thành phố trực thuộc tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) điều hành.Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt là các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.Bên cạnh đó, phải có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác xóa mù chữ; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số và miền núi sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức theo dõi công tác dân tộc và công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.Xây dựng và phát triển các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù cần học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp quy hoạch của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030.