Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh tín dụng cuối năm phục hồi kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng so với đầu năm đạt 7,4%, tương ứng mức tăng hơn 680.000 tỷ đồng tính theo số tuyệt đối. Đây là mức tăng trưởng được đánh giá là khá tích cực khi đặt trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay.

Lãi suất giảm, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

Dù chính sách giãn cách xã hội chặt chẽ theo Chỉ thị 16 được triển khai tại 19 tỉnh thành phía Nam, khiến nhiều DN phải tạm ngưng sản xuất, kinh doanh hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các vùng khác, nhưng tín dụng tính riêng trong tháng 7 và tháng 8 vẫn đạt mức tăng trưởng tương ứng là 1,13% và 0,69% so với tháng trước đó.

Nếu nhìn lại bức tranh tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm (tính đến ngày 21/6 chỉ mới đạt 5,47%, đến cuối tháng 7 đạt 6,66%), có thể thấy hoạt động cho vay vẫn đang duy trì xu hướng đi lên ổn định.

 Ảnh minh họa

Theo chia sẻ với báo chí của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh, dòng vốn cho vay thời gian qua vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong đó nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.

Về điều hành lãi suất, trong năm 2020, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020, và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch). Tính riêng từ khi đưa ra cam kết giảm lãi suất (ngày 15/7) đến hết tháng 8/2021, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng đạt 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan 

Theo NHNN, từ nay đến đầu năm 2022 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm… với thời hạn và lãi vay hợp lý.

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và 2 tháng cuối năm nay. “Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021, Chính phủ giao cho ngành ngân hàng nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các ngành hàng. Tới đây, NHNN sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng, để xem xét các cơ chế, chính sách hỗ trợ”- ông Tuấn Anh nói.

Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay thời gian qua giảm đáng kể về mức thấp càng kích thích nhu cầu vay vốn để đầu tư, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phần mình, các ngân hàng ắt hẳn cũng muốn đẩy vốn ra mạnh hơn, một mặt do thanh khoản đang dư thừa trở lại. Mặt khác là để tăng quy mô dư nợ nhằm lấy số lượng bù đắp ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất cho vay và các chính sách miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ phải thực hiện thời gian qua, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng (room) để có thêm vốn cho vay cuối năm. VPBank được tăng hạn mức tín dụng từ 8,5% lên 12,1%. Trong khi MB Bank được tăng room từ 10,5% lên 15%. Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%. Một số ngân hàng khác cũng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để có thể tăng cho vay trong những tháng cuối năm. 

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng cho biết trước mắt sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; cho vay lĩnh vực nông, thủy sản…

NHNN cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, trong điều kiện, dịch Covid-19 được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn. Khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê của NHNN cũng cho thấy hầu hết các TCTD đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại vào cuối năm 2021 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế hồi phục, DN quay trở lại nhịp kinh doanh…

Đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.