Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh tư vấn tâm lý để phòng chống bạo lực học đường

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong trường phổ thông, nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với HS đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Việc tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông cũng giúp hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Bộ GD&ĐT yêu cầu việc tư vấn tâm lý cho HS phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nhà trường và sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của HS (gọi chung là cha mẹ HS) và các lực lượng ngoài nhà trường có liên quan trong các hoạt động tư vấn tâm lý học sinh. Đồng thời đảm bảo quyền được tham gia, tự nguyện, tự chủ, tự quyết định của HS và bảo mật thông tin trong các hoạt động tư vấn tâm lý theo quy định của pháp luật.
Nội dung tư vấn gồm: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Bên cạnh đó, tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học). Tham vấn tâm lý đối với HS gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu, hỗ trợ đưa HS đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp HS bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.
Về hình thức thực hiện, Thông tư nêu rõ, các trường xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho HS và bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho HS trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho HS; thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ HS về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho HS. Tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/2/2018.