Hòa giải thành đạt tỷ lệ 85,51%
Năm qua, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật (PBGDPL) về hòa giải, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đã tham mưu UBND TP chỉ đạo báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục triển khai thực hiện Đề án của UBND TP với mục tiêu 100% tổ hòa giải được cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật & Xã hội. 11 tháng năm 2022, ấn phẩm Pháp luật & Xã hội đã phát hành miễn phí 883.578 tờ tới 100% các tổ hòa giải trên địa bàn TP.
Cùng với đó, việc củng cố, kiện toàn, thành lập mới tổ hòa giải, tổ trưởng và các hòa giải viên được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, toàn TP có 4.964 tổ hòa giải với tổng số 32.024 hòa giải viên. Theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, năm 2022, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 3.850 vụ việc, số vụ hòa giải thành là 3.186 vụ, số vụ việc chưa giải quyết xong là 124 vụ, đạt tỷ lệ 85,51%, cao hơn tỷ lệ hòa giải thành cùng kỳ năm 2021.
Sở Tư pháp Hà Nội cũng tham mưu UBND TP tổ chức tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả tổng kết Đề án cho thấy, tỷ lệ hoà giải tăng, số vụ việc hòa giải giảm. Đáng chú ý, năm 2022, TP đã có 3.001/4.964 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 60,5%), tăng 179 tổ hòa giải đạt danh hiệu này so với năm 2021. Nhiều đơn vị tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Đình, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Mê Linh, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm...
Nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 351/KH-UBND về triển khai, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 13/9/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở. Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu ít nhất 60% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố có 1 tổ hòa giải.
Theo đó, TP nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải. Đồng thời xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Kiện toàn số lượng tổ hòa giải, đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất 1 tổ hòa giải; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ở các địa bàn dân cư, gắn với các tổ chức tự quản tại cộng đồng dân cư cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cũng tại kế hoạch này, 100% tổ hòa giải trên địa bàn TP tiếp tục được cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật & Xã hội thuộc báo Kinh tế & Đô thị. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên ấn phẩm Pháp luật & Xã hội, nâng cao chất lượng chuyên mục “Hòa giải ở cơ sở” trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP và ấn phẩm Pháp luật & Xã hội.