Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dự báo bão

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm thiên tai khắc nghiệt vừa khép lại với những con số gần như kỷ lục về bão, những con số lịch sử về nắng nóng và lũ ống, lũ quét; kéo theo nhiều hệ lụy với những tổn thất về con người, tài sản.

Thế nên, tại hội thảo khoa học do Ủy ban Bão quốc tế chủ trì, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia tổ chức vừa qua tại Hà Nội (ngày 26 và 27/2), các chuyên gia khẳng định, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để theo dõi thiên tai nhằm từng bước quản lý và thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là vấn đề bức thiết hiện nay.

Xoáy thuận nhiệt đới có sức tàn phá lớn

Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) là các hệ thống bão quay nhanh đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo mưa lớn. GS Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, 70% thiên tai liên quan đến khí tượng và 70% trong số đó liên quan đến XTNĐ.
Lắp đặt máy đo gió Yong (Mỹ) tại trạm quan trắc DK14 thuộc đài KTTV khu vực Nam Bộ.
Theo GS Petteri Taalas, 2017 là một năm đặc biệt với XTNĐ trên quy mô toàn cầu. Tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, số lượng các cơn bão (hạng 3 trở lên) tăng gấp đôi so với trung bình dài hạn. Dù số lượng bão cao hơn so với trung bình, nhưng thiệt hại kinh tế - xã hội gây ra do bão rất lớn. Một cơn XTNĐ có thể vô hiệu hóa một quốc gia khi nó đổ bộ vào. Ví dụ Dominica hoặc Haiti năm 2017 hay ngay cả quốc gia phát triển như khu vực Harveyto Texas và Irmaand Mariato Puerto Rico ở Mỹ. “Những ảnh hưởng trong tương lai của biến đổi khí hậu với XTNĐ có thể sẽ thay đổi theo vùng. Tuy nhiên, đặc điểm cụ thể của những biến đổi này vẫn chưa được định lượng tốt và độ tin cậy trong dự báo tần suất cũng như cường độ XTNĐ ở các khu vực cụ thể vẫn còn thấp" - GS Petteri Taalas nhấn mạnh.

Về công tác dự báo cường độ bão hiện nay, ông Raymond Tanabe - Trưởng nhóm Tư vấn của Ủy ban Bão quốc tế (Mỹ) nhận định, không riêng gì ở Việt Nam mà cả chuyên gia khí tượng của Mỹ cũng gặp khó. Tại Mỹ, công nghệ dự báo được chia làm 3 bước. Bước đầu tiên dựa vào số liệu quan trắc từ số liệu vệ tinh, ra đa và những số liệu bề mặt, tự động. Các số liệu này sẽ được đưa vào các mô hình tính toán, từ đó giúp dự báo viên dự báo các cơn bão. Ông Raymond Tanabe cũng cho rằng, khâu kết nối thông tin rất quan trọng. Thông qua các phương tiện truyền thông giúp truyền tải thông tin của cơ quan dự báo đến người dân chính xác và đầy đủ hơn. Từ đó, các cơ quan sẽ có biện pháp phối hợp kịp thời để ứng phó.

Thiết lập hệ thống

Cảnh báo lũ quét Đông Nam Á

Để hạn chế tổn hại do bão, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo để hạn chế dự báo sai. Theo TS Kazuhisa Tsuboki, Đại học Nagoya (Nhật Bản) đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Meisei phát triển một thiết bị quan trắc dropsonde mới và 4 kênh nhận tín hiệu. Quan trắc này cung cấp những số liệu quan trọng trong cải thiện ước lượng và dự báo cường độ bão cũng như nghiên cứu bão.

PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia cũng cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Trung tâm nghiên cứu Thủy văn Mỹ, Việt Nam sẽ thiết lập và điều hành hệ thống Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á. Nếu Trung tâm đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ là nơi đặt máy chủ và vận hành hệ thống các mô hình; tiếp nhận sản phẩm mây vệ tinh của cơ quan khí tượng Mỹ NOAA, trao đổi số liệu quan trắc KTTV và sản phẩm dự báo giữa các tổ chức tham gia dự án.

Ủy ban Bão quốc tế được thành lập từ năm 1968, nhằm tăng cường và điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Hiện tại Ủy ban có 14 nước và vùng lãnh thổ tham gia, Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1979. Tham gia Ủy ban này, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác về KTTV và nhận được sự hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ công nghệ, số liệu, kinh nghiệm, đào tạo... góp phần phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo và dự báo KTTV, đặc biệt là dự báo bão, lũ ở Việt Nam.