Cùng với đó, các hộ nông dân có thêm cơ hội chia sẻ với nhau kinh nghiệm, cách làm hay để áp dụng vào thực tế.
Xử lý tận gốc bệnh cây trồngĐể kiểm tra hiệu quả của công tác đào tạo nghề tại huyện Phúc Thọ, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1956 TP Hà Nội đến thăm mô hình lớp học Trồng cây ăn quả ở cánh đồng bãi Gò, xã Thọ An, huyện Đan Phượng. Dưới những cành bưởi xanh ngắt vươn cao, các học viên cùng nhau góp ý về cách chăm sóc loại cây này theo kỹ thuật mới để mùa sau sai quả hơn mùa trước. Ông Trần Long Biên – chủ nhân của ruộng bưởi bộc bạch: Tại mảnh ruộng 3 sào này, tôi lại trồng 50 gốc bưởi Diễn, đến năm thứ ba bắt đầu cho ra quả. Nhưng cũng như lần trước, cây phát triển quá mạnh và đậu quả rất ít. Khi học lớp trồng cây ăn quả, tôi đã biết được lý do vì sao.
Trực tiếp đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho hội viên nông dân ở xã Thọ An, thầy Lưu Đức Huy – giáo viên khoa Kỹ thuật nông nghiệp, trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây cho biết, đa số học viên đều có ruộng trồng cây ăn quả. Các học viên đang vướng ở khâu cắt, tỉa, tạo tán, chăm bón. Nhiều người chăm bón cây không theo quy trình, vội vàng bón thúc. Chẳng hạn, khi cây bưởi đã đeo quả thì hết tháng 6 không bón nữa nhưng bà con lại tưới tắm, lộc đông bật lên. Cây đu đủ, bà con thu hoạch quả được một năm thì bỏ mặc nên bị lụi. “Bởi vậy, những buổi thực hành thường được tổ chức ở ruộng của học viên để được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả đang trồng (bưởi, táo, ổi, nhãn, chuối, cam...). Đồng thời, xử lý ngay những vướng mắc mà học viên gặp phải nên mọi người rất nhiệt tình ủng hộ” – thầy Huy thông tin. Trong khi đó, anh Trần Văn Dũng – học viên của lớp phấn khởi khoe: Từ những buổi học, tôi đã biết được đặc điểm của cây đu đủ và các loại thuốc trị con rệp, nhện đỏ. Những buổi học trên đồng ruộng đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin mới rất thiết thực áp dụng được ngay vào cây trồng nhà mình.Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệpTrao đổi về hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An Trần Văn Vui cho biết: Những năm qua, các lớp đào tạo nghề đã giúp bà con nông dân nắm bắt được kiến thức, khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc cây trồng vật nuôi, đặc biệt là đối với các loại cây con giống mới. Nhờ đó, trên cùng một diện tích canh tác thu nhập của bà con cũng được tăng hơn, giúp kinh tế gia đình từng bước được nâng lên. Trong năm 2018, xã Thọ An đã tổ chức được 2 lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả. Nhiều bác đã áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi…Đặc biệt, hiện nay, nhiều hộ nông dân xã Thọ An đã chuyển từ cấy lúa sang trồng táo, đu đủ, bưởi Diễn với diện tích lớn cho thu nhập gấp 5 lần mà đầu tư đơn giản. Ngoài những hộ trồng cây ăn quả nhiều năm đầu ra đã có, còn lại chủ yếu được bán ở thị trường Hà Nội. “Thực hiện Nghị quyết 82 của Đảng ủy xã, để giải quyết khâu tiêu thụ ổn định cho nông dân, đến năm 2020 chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu bưởi Thọ An; mở rộng diện tích trồng từ 80ha lên hơn 100ha. Thọ An cũng sẽ tập trung đào tạo nghề, chú trọng công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vừa qua, chúng tôi đã cho bà con đi thăm một số mô hình có thương hiệu để hiểu được giá trị cũng như từng bước tập huấn cho bà con cách xây dựng thương hiệu để mọi người cùng tham gia” – ông Vui thông tin thêm.Mô hình tạo dựng thương hiệu bưởi Thọ An là cụ thể hóa giải pháp của huyện Đan Phượng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Huyện tổ chức đào tạo nghề nông cho lao động chuyên sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương. Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường. Đan Phượng cũng sẽ tăng cường tuyên truyền về vay vốn tạo việc làm cho lao động đã học nghề, tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xây dựng dự án vay vốn, giải quyết việc làm. Qua đó, nhằm mở rộng sản xuất, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật đã được học để ổn định kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.