Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB Quốc hội: Đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thảo luận về Tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với việc tiếp tục giảm thuế GTGT với một số ngành; đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động khi áp dụng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) phát biểu tại Kỳ họp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) phát biểu tại Kỳ họp - Ảnh: Quochoi.vn

Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đề nghị, làm rõ ý nghĩa của thuế GTGT có tác dụng giảm giá thành và kích cầu. Giảm thuế này thì người được hưởng lợi trực tiếp là người dân. Theo đại biểu, trước đây, khi lần đầu ban hành chính sách này gắn với Nghị quyết 43 vào thời điểm gười dân đang gặp khó khăn  nên cần phải giảm thuế để kích cầu và hỗ trợ cho người dân ở những mặt hàng hay sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, giảm thuế này có lợi trực tiếp, nhưng người dân cũng có thể bị hại một cách gián tiếp sau này khi nguồn thu ngân sách của Nhà nước không được đảm bảo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng.

Đại biểu cho rằng đánh giá tác động chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Báo cáo chỉ ra tác động thu ngân sách giảm nhưng với điều kiện GDP tăng trưởng từ 6 đến 6,5%. Theo đó, nên phân tích một cách tổng thể, có nghiên cứu đánh giá , không thể cảm tính là nên giảm hay không nên giảm một số ngành hàng. “Người dân thì thích giảm thuế trước mắt vì mua được hàng giá rẻ và kích cầu, nhưng chính sách kích cầu thì sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP, không thể giảm thuế mãi” - đại biểu nêu quan điểm. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng nếu áp dụng thì nên áp dụng một cách dài hạn hơn, thay vì áp dụng 6 tháng.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng, đề xuất giảm 2% thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% là phù hợp với thực tiễn năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm GTGT cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Đại biểu cho rằng, việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 - đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.

Phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu kinh tế vĩ mô

Góp ý về tác động chính sách giảm thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị, Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu cho rằng, Tờ trình chưa phân tích một cách thuyết phục hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này. Chỉ số tăng ở mức bán lẻ trong 4 tháng của năm 2023 nhờ áp dụng chính sách còn chưa rõ. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn tăng mức bán lẻ hàng hóa của năm 2023 còn kém hơn năm 2022 có phải do chính sách giảm thuế mới chỉ áp dụng trong 6 tháng, trong khi năm 2022 áp dụng cho cả 11 tháng hay không?.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu Việt Nga cho rằng, tác dụng của chính sách này với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng cần được đánh giá một cách đầy đủ. Theo đại biểu, chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định giải pháp giảm thuế GTGT 2% đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm cho người lao động trong đợt dịch vừa qua.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.

Đại biểu cũng đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.

Như vậy, phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến giảm thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng.

 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số ý kiến đại biểu nêu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số ý kiến đại biểu nêu

Tại phiên thảo luận, giải trình ý kiến đại biểu về đề xuất tại sao giảm thuế GTGT đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực ngân sách Nhà nước. Việc giảm thuế GTGT chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai các giải pháp lâu dài nhằm tăng trưởng GDP.

Việc đề xuất giảm thuế GTGT chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công, muốn vậy phải tăng thuế suất… Do vậy, trong ngắn hạn giảm thuế để tạo điều kiện doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất – đây là xu thế tất yếu; song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Về câu hỏi đại biểu băn khoăn liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của chính sách này báo cáo Quốc hội.