ĐB Trần Hoàng Ngân: Lao động nông nghiệp mỗi năm giảm 900.000 người do lợi nhuận thấp

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề hành lang Quốc hội vào ngày 23/5, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, PGS TS kinh tế Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Lao động nông nghiệp mỗi năm giảm 900.000 người chủ yếu do người làm nông nghiệp không có lời hoặc không có lợi nhuận cao.

Được biết, PGS TS Trần Hoàng Ngân đang thực hiện công trình nghiên cứu về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Vậy theo ông, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam đã hợp lý chưa?
- Hiện nay quy hoạch tổng diện tích sử dụng đất nông nghiệp của nước ta là trên 9 triệu ha, trong đó đất lúa là 3,8 triệu ha. Đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi bởi lao động nông nghiệp mỗi năm giảm 900.000 người.
 PGS TS Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Phải chăng xu hướng chuyển dịch lao động ở khu vực nông nghiệp là do áp dụng máy móc, công nghệ nên mới giảm như vậy? Tôi nghĩ, đó chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính ở đây là do người làm nông nghiệp không có lời  hoặc không có lợi nhuận cao. Cho nên một phần đất nông nghiệp bị bỏ hoang, một phần chuyển sang mục đích khác (nhưng chủ yếu là chuyển đổi trái phép), trái với quy hoạch. Do vậy, đã đến lúc cần phải rà lại quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp.
Mặt khác, tôi cũng nhận thấy địa phương nào có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao thì thường GDP bình quân đầu người thấp. Trong khi các tỉnh đó giữ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đó là điều bất cập.
Thưa ông, vậy gốc của vấn đề nằm ở đâu?
- Tôi hay nghe các chuyên gia nông nghiệp nói rằng, cơ hội đưa nông sản Việt Nam ra thế giới là rất lớn, nhất là các lĩnh vực thuỷ sản, lâm sản, rau, hoa quả, trái cây... Thế nhưng, chúng ta phải hô hào, vận động rất nhiều cuộc giải cứu nông sản.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa củng cố “nền móng” của ngành Nông nghiệp bền vững. Mà, nền móng của ngành nông nghiệp là cây, con giống; khoa học công nghệ; cơ giới hoá; chất lượng sản phẩm đầu ra và thực hành tiết kiệm.
Đặc biệt là giá thành sản phẩm còn rất cao, không thể cạnh tranh được. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến điều này, là kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu kém, không phù hợp với yêu cầu của sản xuất hàng hoá.
Một chuyến hàng nông sản từ ruộng phải vận chuyển rất nhiều đoạn đường, phương tiện khác nhau mới ra được đường lớn; ra được đường lớn rồi thì cũng thiếu cầu cảng để vận chuyển, bốc xếp. Ví dụ, ở Long An cũng có cầu cảng, nhưng vì nó không được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nên tàu lớn không vào được. Thế là lại phải vận chuyển về tận TP. Hồ Chí Minh, sau đó đánh hàng ngược về Long An, chi phí trung gian là rất lớn.
Như vậy, thương lái thu mua của nông dân rất rẻ thì mới mong có lợi nhuận. Có sản phẩm ngoài thị trường bán 15.000 đồng, nhưng thương lái thu mua tại ruộng chỉ 5.000 đồng. Không phải là họ muốn ép giá, mà vì chi phí trung gian quá cao. Bởi vậy, nhà nước cần phân bổ nguồn ngân sách đầu tư công xứng tầm, để cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, liệu rằng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2019 có thể bứt phá hay không?
- Theo tôi, cơ hội thì khá rõ ràng, nhưng quan trọng nhất là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng hàng hoá, truy xuất nguồn gốc hàng hoá rõ ràng. Bởi, khi phát hiện một ngành hàng nào đó được thông quan với số lượng tăng đột biến, các quốc gia nhập khẩu thường giám sát rất chặt chẽ chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nếu hàng hoá của Việt Nam không đáp ứng điều đó thì rất khó có cửa để mở rộng thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!