Sáng 27/10, tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, tranh luận về nguyên nhân và giải pháp giáo viên rời bỏ khu vực công, ĐB Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đánh giá rất cao nỗ lực của ngành giáo dục và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên nói chung và gần như kỳ họp nào của Quốc hội cũng thảo luận các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên.
ĐB Nguyễn Trường Giang cho rằng, với đội ngũ hùng hậu (hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước), trong 2,5 năm qua có hơn 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công, điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.
“Chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa trong ngành giáo dục, tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là bình thường” - ĐB Nguyễn Trường Giang nói.
ĐB Giang cho rằng, điều quan trọng nhất phải đánh giá những giáo viên nghỉ việc, rời bỏ khu vực công có tiếp tục làm giáo viên hay không? Việc giáo viên rời từ khu vực công sang khu vực tư đều là phục vụ cho Nhân dân và phù hợp với chủ trương của Đảng, do vậy cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có giải pháp phù hợp.
Trước đó trong phiên thảo luận, ĐB Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề cập, thời gian gần đây, tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công gia tăng.
Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Có xu hướng chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công sang khu vực tư bởi áp lực công việc, tiền lương, thu nhập trong khu vực công thấp.
Để ngăn chặn “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc, ĐB Tô Văn Tám tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ và đề nghị thêm một số ý: Một là, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính. Đồng thời, xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Hai là, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.
Ba là, quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Bốn là, cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.