Cần quy định nguyên tắc về giá đền bù đất
Thảo luận về Dự Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân, vì vậy cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích.
“Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển…, mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau. Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm được gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu đề nghị quy định trong luật là phương pháp xác định đền bù cho người dân, xác định chi phí đền bù. “Giá đất là do doanh nghiệp thỏa thuận với người dân nên không quy định trong luật nhưng phải quy định nguyên tắc đền bù” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Cũng liên quan đến nguyên tắc sử dụng đất, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, đất đai là tài nguyên hữu hạn, có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm trí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất thì chúng ta tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là nguyên lý của phát triển bền vững. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc "bền vững" trong sử dụng đất vào khoản 2 Điều 5 Dự Luật làm căn cứ, cơ sở cho việc xác lập các chính sách.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, mục đích sử dụng đất là căn cứ quan trọng để tính các khoản thu tài chính từ đất đai, nên cần được quy định cụ thể tại Dự Luật, làm cơ sở cho các Nghị định của Chính phủ về chính sách thu tài chính từ đất, chính sách về giá đất, xử lý vi phạm về đất, thống kê đất đai đồng bộ và xuyên suốt.
Theo đại biểu, Điều 9 của Dự Luật quy định về phân loại đất đai nhưng không có quy định phân loại đất sử dụng đa mục đích, điều này sẽ gây vướng mắc trong quản lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung khái niệm về “mục đích sử dụng đất”, “mục đích sử dụng đất chính” trong phần giải thích từ ngữ.
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của các thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh, đại biểu cho rằng, cần thu hồi, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để tránh việc phát sinh những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo.
“Đề nghị thực hiện thu hồi bắt buộc với những trường hợp này, giao Chính phủ có cơ chế quản lý sử dụng, quy định tùy thực tiễn của địa phương đối với diện tích đất này để đảm bảo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất”- đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu quan điểm.
Tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất
Qua nghiên cứu Dự Luật, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng, có một số nội dung chưa được cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như các dự thảo luật liên quan để tiện theo dõi và đại biểu có góc nhìn tổng thể.
Theo đại biều, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ đặt mục tiêu thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phải trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, nhưng thực tế việc phân bổ đất đai qua cơ chế thị trường đã làm sai lệch méo mó kết quả.
“Người có nhu cầu, có khả năng sử dụng không tiếp cận đất đai hoặc tiếp cận với chi phí quá cao, làm tăng chi phí kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đất đai lại trở thành công cụ đầu cơ để sinh lời, không phải được đưa vào khai thác, sử dụng” - đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ.
Nêu thực tế tồn tại, vướng mắc khi thực hiện giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) tại 15 dự án thực hiện thu hồi đất nông nghiệp, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để giải quyết vướng mắc thực tiễn trong thực hiện giao đất dịch vụ trong Luật Đất đai lần này.
Góp ý về vấn đề thu hồi đất đối với một số dự án bị tắc nghẽn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án. Đại biểu nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu mong muốn các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể.
Về Điều 9 phân loại đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao ban soạn thảo đã chú ý đến nhóm đất (đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trú tro cốt) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên để thực hiện được, đại biểu đề nghị cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn việc sử dụng quỹ đất này hiệu quả, trang trọng, đảm bảo vệ sinh, văn minh và nhân văn.
Liên quan phương pháp xác định giá đất, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (đoàn tỉnh Quảng Ngãi) nhận định, Dự Luật đã cụ thể thêm một bước về các quy định về các phương pháp áp dụng định giá đất bao gồm: phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất bao gồm mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá theo thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất.
Các đại biểu cũng đề nghị Dự Luật cần tiếp tục các quy định liên quan đến công cụ quản lý nhà nước như kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, phân loại đất, điều tiết hạn mức sử dụng đất, giá đất để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo các quyền của người dân về đất đai theo quy định của Hiến pháp.
Cùng với đó, đề nghị rà soát tính phù hợp các nội dung về tập trung tích tụ đất nông nghiệp như quy định tại Điều 192 về phương pháp tập trung đất nông nghiệp là hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Tránh hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương tập trung tích tụ đất sản xuất cho nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh quyền sử dụng đất hoặc trá hình sang buôn bán bất động sản nông nghiệp…