KTĐT - Theo báo cáo công bố ngày 20/10 vừa qua, đến năm 2050, dự đoán dân số thế giới sẽ tăng lên mức 9,5 tỷ người. Châu Phi là khu vực có số dân tăng nhiều nhất, gấp đôi lên 2,1 tỷ người. Châu Á có mức tăng khoảng 1,3 tỷ dân, trong đó phần lớn tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia hiện chiếm 60% dân số của khu vực này.
Báo cáo dân số thế giới năm 2010 được Liên hợp quốc công bố mới đây cho biết dân số thế giới hiện nay là gần 6,9 tỷ người.
Trong báo cáo, vai trò của phụ nữ trong công cuộc giải quyết mâu thuẫn và xây dựng hòa bình tại các khu vực trên thế giới được Liên hợp quốc đặc biệt đề cao.
Theo báo cáo công bố ngày 20/10 vừa qua, đến năm 2050, dự đoán dân số thế giới sẽ tăng lên mức 9,5 tỷ người. Châu Phi là khu vực có số dân tăng nhiều nhất, gấp đôi lên 2,1 tỷ người. Châu Á có mức tăng khoảng 1,3 tỷ dân, trong đó phần lớn tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia hiện chiếm 60% dân số của khu vực này.
Trong vấn đề giải quyết mâu thuẫn và xây dựng hòa bình, báo cáo đánh giá cao vai trò của phụ nữ. Qua những bài viết về trải nghiệm thực tế tại các quốc gia đang phải gánh chịu thảm họa thiên nhiên hay các cuộc xung đột, cũng như các quốc gia đang trong giai đoạn khó khăn trong việc khôi phục sau thảm họa như Bosnia, Haiti, Liberia và Uganda, vai trò của phụ nữ trong công cuộc giải quyết mâu thuẫn và xây dựng hòa bình đã được đặc biệt đề cao.
Cũng theo báo cáo, cuộc sống của người phụ nữ đang dần được cải thiện. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành "trụ cột" gia đình. Họ tìm cách kiếm tiền nuôi sống gia đình trong những thời điểm khó khăn, tự tin hơn trong cuộc sống và trở nên độc lập về kinh tế. Một vài người trong số họ thậm chí đã trở thành nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền lợi phụ nữ.
Trong vấn đề sức khỏe sinh sản, báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2010 cho biết việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do việc thiếu các cơ sở y tế, bệnh viện cũng như đội ngũ nhân viên y tế để trợ giúp phụ nữ trong thời kỳ tiền sản cũng như khi sinh nở.
Trong khi thế giới đang nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra, thì việc thực hiện mục tiêu số năm về cải thiện sức khỏe cho bà mẹ vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Ông Najib Assifi, Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, cho rằng người dân ở tất cả các quốc gia cần tiếp tục cố gắng cũng như phối hợp với các chính phủ và các tổ chức tôn giáo-xã hội, để cải thiện tình hình.
Sự phối hợp hành động sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu tình trạng bạo hành phụ nữ, cũng như cải thiện cuộc sống cho phụ nữ ở nhiều quốc gia./.