Dè chừng Nga, châu Âu lập vòng trừng phạt nhiều yếu tố "hiểm"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu đang đề xuất vòng trừng phạt thứ 12 đối với Moscow, bao gồm hạn chế đối với nhiều cá nhân, trong đó có con trai của cựu Tổng thống Dmitry Medvedev và các cá nhân liên quan tới Tổng thống Vladimir Putin, theo The Guardian. 

Trong số 47 cá nhân mà EC muốn bổ sung vào danh sách trừng phạt, bao gồm chị họ của ông Putin là Anna Tsivileva, người đứng đầu tổ chức “Những người bảo vệ tổ quốc” hỗ trợ binh lính Nga chiến đấu ở Ukraine.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AP

Ngoài ra, trong danh sách mở rộng còn có Ilya Medvedev, người được cho là có tên và ngày sinh trùng con trai duy nhất của cựu tổng thống, The Guardian cho biết. Anh bị nhắm mục tiêu vì bị cáo buộc dàn dựng một chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch ở Ukraine.

Trọng tâm của các đề xuất vẫn cần sự thông qua của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 12, bao gồm một số động thái kiềm chế doanh thu thương mại của Nga, như lệnh cấm hoàn toàn việc bán kim cương thô và đồ trang sức sử dụng đá quý từ các mỏ ở Siberia của nước này.

EU cho biết việc này có thể khiến kho bạc của Điện Kremlin hao hụt hơn 4,5 tỷ Euro/năm.

Lệnh cấm đã được thực hiện từ năm ngoái nhưng chỉ trở thành hiện thực sau khi Bỉ, nơi có trung tâm kim cương toàn cầu Antwerp, ngừng phản đối vào mùa Hè và G7 đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt trong hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản.

Đề xuất của ủy ban cho biết: “Lệnh cấm kim cương của Nga là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm phát triển lệnh cấm kim cương phối hợp quốc tế nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu quan trọng này của Nga”.

Đại diện từ các nước G7 hiện đang có chuyến thăm Antwerp để xác minh hiệu quả lệnh cấm được đề xuất. 

Theo đề xuất do Bỉ đưa ra, tất cả những viên kim cương có kích thước nhất định, được cho là từ 0,5 đến 1 carat, sẽ được cấp một mã định danh duy nhất thông qua bản ghi blockchain hiển thị nguồn gốc.

Các nhà ngoại giao cho biết, điều này sẽ áp dụng cho “từ 80% đến 90% kim cương trên thế giới”, và ngay lập tức cung cấp phương thức cho các nhà bán buôn và bán lẻ để phân biệt kim cương hợp pháp với kim cương bất hợp pháp.

Những nỗ lực triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc gặp nhiều thách thức khi các công ty lớn vận động các nước G7 trì hoãn quyết sách.

Ủy ban Châu Âu cũng đang đề xuất các lệnh cấm mới đối với việc bán tàu chở dầu cũ để trấn áp những bên đang lách các biện pháp trừng phạt thương mại hiện có bằng cách che giấu nguồn gốc hoặc điểm đến của hàng hóa, bao gồm cả dầu bị giới hạn giá, thông qua việc chuyển tiền từ tàu này sang tàu khác.

Các biện pháp trừng phạt được đề xuất cũng nhắm vào các công ty và tổ chức trong một số lĩnh vực ở Nga, bao gồm ngành công nghiệp vũ khí, các công ty CNTT có quan hệ với các cơ quan an ninh FSB. 

Các biện pháp trừng phạt được đề xuất cũng nhắm vào những công ty trong lĩnh vực dân sự bị cáo buộc tạo điều kiện cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Trong số đó có AlfaStrakhovanie, tự nhận là công ty bảo hiểm tư nhân lớn nhất ở Nga, hay Tổ hợp Hàng không Ilyushin, nhà sản xuất máy bay hàng đầu sản xuất máy bay vận tải quân sự Il-76 thường được sử dụng để vận chuyển nhân viên và thiết bị quân sự của Nga. Theo Chính phủ Nga, nó là một trong những máy bay quân sự phổ biến nhất trên thế giới và đã được sử dụng ở 24 quốc gia tính đến năm 2021.

Nhà phát triển và vận hành hệ thống định vị Glonass của Nga, đối thủ cạnh tranh với hệ thống định vị GPS của Mỹ, cũng nằm trong danh sách đề xuất trừng phạt.

Một số quan chức Belarus cũng nằm trong danh sách trừng phạt được đề xuất vì bị cáo buộc có vai trò cung cấp vũ khí cho Nga hoặc trong các hoạt động hợp tác quân sự khác, bao gồm cả việc huấn luyện lính nghĩa vụ Nga tại các căn cứ ở Belarus.