Người phát ngôn của nhà thầu chính dự án đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu, ông Jens Muller, nói rằng việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty châu Âu tham gia Dòng chảy Phương Bắc 2 là hành động phân biệt đối xử.
Chủ đầu tư Dòng chảy Phương Bắc 2 nói rằng việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty châu Âu tham gia dự án là hành động phân biệt đối xử. |
“Bất kỳ cảnh báo nào của Mỹ về việc áp đặt lệnh trừng phạt chống dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đều là hành vi phân biệt đối xử bất hợp pháp đối với các công ty châu Âu” - người phát ngôn Muller nói với TASS hôm 26/5.
Ông Muller lưu ý thêm: "Chủ đầu tư Dòng chảy Phương Bắc 2 và các công ty tham gia dự án cho rằng việc sớm đưa vào vận hành tuyến đường ống khí đốt sẽ mang lại nhiều lợi thế cho an ninh năng lượng châu Âu, người tiêu dùng trong khu vực, tăng khả năng cạnh tranh kinh tế cho Liên minh châu Âu cũng như hỗ trợ các cam kết bảo vệ khí hậu".
Ông Muller nói rằng lãnh đạo Dòng chảy Phương Bắc 2 cũng nhất trí với quan điểm của Ủy ban châu Âu cho rằng các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ là vi phạm luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Muller cũng trích dẫn tuyên bố của người phát ngôn của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đăng trên tờ Handelsblatt. "Hiện tại đại dịch Covid-19 đang gây áp lực rất lớn cho các quốc gia trên toàn cầu. Đây không phải là thời điểm thích hợp để leo thang vòng xoáy trừng phạt bằng cách đe dọa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt vi phạm luật pháp quốc tế", tuyên bố nêu rõ.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã xác nhận rằng phía Washington đang có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Handelsblatt đăng ngày 26/5, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cho biết chính quyền Washington dự kiến sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt mới đối với tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bao gồm việc xây dựng 2 tuyến đường ống với tổng công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, chạy từ bờ biển của Nga xuyên qua Biển Baltic đến Đức. Các đối tác châu Âu của Gazprom trong dự án này bao gồm Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo, Engie của Pháp và Shell của Anh - Hà Lan. Đường ống đi qua các quốc gia trung chuyển gồm Ukraine, Belarus, Ba Lan và các nước Đông Âu cùng Baltic, xuyên qua vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Gazprom dự kiến sẽ khánh thành đường ống này vào cuối năm 2020.