|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đứng trước xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) cần hợp lực cho DN trong nước lớn mạnh, có thể cạnh tranh, nâng cấp nền kinh tế.
Khu vực tư nhân vẫn “chậm lớn”Bà nhận xét thế nào về những thay đổi của DN tư nhân trong nước thời gian qua? Đâu là những điểm tích cực và hạn chế?- Kể từ lúc Đổi mới đến nay đã hơn 30 năm, bức tranh của DN Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đã thay đổi hết sức cơ bản. Đặc biệt kể từ khi Luật DN ra đời năm 2000, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển đã thay đổi gần như bộ mặt của kinh tế tư nhân Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, mỗi năm có từ 20.000 DN, rồi tăng thành 30.000 DN ra đời. Đến nay con số là hơn 500.000 DN.
|
Vinfast giới thiệu công nghệ chế tạo ô tô tại Triển lãm quốc tế hàng công nghiệp 4.0 diễn ra ở Hà Nội. |
Mặc dù hiện nay đã có những DN tư nhân lớn, có tên tuổi tại Việt Nam nhưng để kể ra một cái tên đại diện cho quốc gia (giống như nói đến Samsung là nói đến Hàn Quốc, nhắc đến Toyota là nhắc đến Nhật Bản) thì rất hiếm. Khu vực DN tư nhân Việt Nam vẫn được đánh giá là "chậm lớn", chỉ chiếm khoảng 9% GDP trong suốt hàng chục năm qua. Nội lực của kinh tế tư nhân còn yếu vì khu vực này chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể, chiếm tới 32% GDP. Quy mô đầu tư của các DN này lại đang có xu hướng nhỏ đi. Tỷ lệ DN thua lỗ, phá sản còn khá cao.
Nói đến tỷ lệ DN thua lỗ phá sản, bà từng lo lắng cho sức khỏe DN, đặc biệt số DN giải thể tăng cao. Vì sao GDP tăng nhưng khối DN trong nước vẫn chưa thể lớn mạnh?- Trong bất kỳ một nền kinh tế thị trường lành mạnh nào, việc đồng thời có nhiều DN ra đời và nhiều DN giải thể là chuyện bình thường song Báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khiến tôi tiếp tục lo lắng. Lượng DN 9 tháng 2018 ngừng hoạt động tăng 48% so với cùng kỳ 2017, trong khi số DN mới thành lập chỉ tăng 2%. Hiện nay mới có hơn 500.000 DN hoạt động, con số rất xa so với 1 triệu DN hoạt động hiệu quả đặt ra vào năm 2020. Nếu số DN ngừng hoạt động tăng lớn hơn so với DN thành lập thì đây là đáng ngại.
Số DN mới thành lập khiến tôi lo ngại bởi biết đến bao giờ họ mới lấp đủ các chỉ tiêu như đã đăng ký ví dụ: Số công ăn việc làm, tiền thuế… Tôi không dám chắc về con đường tương lai của họ bởi bất kỳ một DN nào muốn ghi dấu ấn trên thương trường cần phải có thời gian.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nói chung là tốt, đứng đầu khu vực ASEAN, thuộc vào nhóm cao của thế giới song nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần 2 lần GDP). Khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI, tới 70%.
Xét về thị trường vốn, nguồn vốn cho khu vực tư nhân chủ yếu là nguồn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng dành cho DN khu vực này đang giảm dần, từ mức 60% tổng dư nợ năm 2011 xuống còn khoảng 51% năm 2015 và ở mức 41% năm 2017 theo số liệu của Ban Kinh tế T.Ư. Nếu xét về thị trường lao động, tổng chi phí sử dụng lao động, bao gồm bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn chiếm tới 25% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh các DN tư nhân có tới 98% là DNNVV, những chi phí kể trên càng trở thành gánh nặng lớn đối với việc duy trì và phát triển DN.
Bối cảnh mới, thách thức mới, cơ hội mớiTheo bà, bối cảnh mới như hiện nay mang đến những thách thức gì cho DN và cơ quan quản lý?- Năm 2018 và những năm tiếp theo là thời điểm thực hiện nhiều cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh CMCN 4.0 và bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra mạnh mẽ, phần lớn các DN tư nhân chưa đánh giá hết áp lực cạnh tranh, từ việc giữ thị phần trong nước đến việc tận dụng các Hiệp định thương mại mang lại và cả những rủi ro từ áp chống phá giá… Với quy mô nhỏ và vừa, DN hiện gặp phải vấn đề là hạn chế về công nghệ, thiếu vốn, trình độ nhân lực không cao. Đa số các DN trong nước chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn và thiếu sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA) nhưng khi cải cách trong nước chậm hơn thì sự khập khiễng này không tạo ra cơ hội mà còn đẩy nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức.
Để hướng tới 1 triệu DN và để kinh tế tư nhân thực sự bền vững, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì Chính phủ cần phải có những giải pháp gì tiếp theo và DN cần phải làm gì?- Chính phủ đã nỗ lực trong việc truyền đi thông điệp đồng hành với DN. Điều quan trọng tiếp theo là chuyển những thông điệp này thành những chính sách tốt, sau đó triển khai chúng một cách hiệu quả trên thực tế và cần một hệ thống kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Thách thức chủ yếu hiện nay là làm thế nào để tăng quy mô, tăng sức cạnh tranh của những DN nội địa và tạo điều kiện để họ hội nhập tốt hơn cùng các DN nước ngoài và nâng cao được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, phải cung cấp tín dụng cho DN với mức lãi suất hợp lý, tương đương hoặc không chênh lệch nhiều so với mức lãi suất ở các nước trong khu vực. Nếu không tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý, lại thua kém về công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường, DN Việt không thể tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Thứ nữa, để tận dụng được “làn sóng cải cách”, bản thân DN cũng phải tự lớn lên, nâng cao năng lực hấp thụ. Đã đến lúc DN phải hướng đến tính bài bản, tính chuyên nghiệp và minh bạch. Nền kinh tế mở cửa và hội nhập cao trong khi công nghệ thay đổi hàng ngày. Nếu DN Việt không đầu tư vào khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao thì rất khó khăn và có thể bị thui chột. Ngoài vấn đề vốn, kỹ thuật công nghệ, rất cần cải thiện kỹ năng và lao động để tạo nên động lực cho mình.
Xin cảm ơn bà!