Còn nhiều nút thắt
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, được xếp hạng trong top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Các hoạt động đổi mới sáng tạo có hàm lượng tri thức cao đã tạo động lực mạnh mẽ và hình thành làn sóng phát triển mới cho kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả khu vực nói chung.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) Đặng Thị Hương cho biết, thành phố hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 26,32% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước). Đến nay, đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước). Có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước). Thực tế này đã thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố, cũng như tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà thành phố Hà Nội đã ban hành. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Chia sẻ vướng mắc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường học, TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, những năm qua, trường đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên. Hàng năm, nhà trường đã trích 0,5-0,8% từ nguồn chi thường xuyên cho hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường còn gặp phải những thách thức không hề nhỏ. Thách thức lớn nhất hiện nay là việc ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguyên nhân là do nguồn vốn tài trợ cho hoạt động ươm tạo công nghệ còn hạn chế. Trong khi nguồn tài trợ cho các cơ sở ươm tạo hiện nay chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, tập trung vào mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Điều này chủ yếu do khung pháp lý chậm được ban hành, các quỹ hỗ trợ trực tiếp đến nay chưa thể hoạt động ở nhiều nơi, chưa có văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng, đổi mới sáng tạo là tất yếu của mọi doanh nghiệp, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ xuất phát từ phía doanh nghiệp là chưa đủ. Bởi thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về nguồn vốn, nhân lực, kết nối thị trường… “Rạng Đông mong muốn Nhà nước và Thành phố Hà Nội có các chương trình tài trợ các đề tài, dự án khi có sự liên kết xuyên ngành, liên ngành của các Viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội... Cùng với cơ chế đánh giá và tài chính linh động, gắn tới hiệu quả, kết quả hơn là quá trình. Hỗ trợ trong việc tiếp cận với các nguồn tri thức, tài liệu nghiên cứu, xu hướng về công nghệ và thị trường, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ” – ông Nguyễn Đoàn Kết kiến nghị.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) Đặng Thị Hương, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, giải pháp trước tiên cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp. Cùng với đó, cần triển khai các gói hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp... Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo.
Các sở, ban, ngành của Hà Nội cần tập trung đẩy nhanh việc kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia. Phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một trung tâm đổi mới sáng tạo, góp phần cung cấp, kết nối nguồn lực cho hệ sinh thái. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội; tận dụng tối đa thành tựu cuộc CMCN 4.0, đồng thời tranh thủ sự quan tâm, nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết, tổ chức các hội chợ, hội thảo kết nối đầu tư nhằm nâng cao năng lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội. Đồng thời, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch, các chính sách hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng với nguồn lực phát triển.
Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, giai đoạn mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hướng đến việc thúc đẩy hệ sinh thái có chiều sâu, đổi mới sáng tạo mở, tập trung vào liên kết giữa chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… để tạo ra một hệ sinh thái toàn diện, bền vững và năng động. Để hệ sinh thái phát triển bền vững, định hướng quan trọng cần ưu tiên là hòa nhập thể chế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng chính sách ưu tiên.