Để Hà Nội mãi xanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những con đường với những hàng cây đã ăn sâu vào tâm trí người Hà Nội, đường Nguyễn Du, Bà Triệu… gắn liền với cây hoa sữa, đường Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh với cây cơm nguội, đường Văn Cao tím ngắt sắc bằng lăng, đường Thanh Niên đỏ bừng hoa phượng vĩ…

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội mới được vinh danh là TP xanh và hòa bình. Và để giữ gìn di sản ngàn năm quý giá ấy những người công nhân của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đang ngày đêm chăm chút, giữ gìn màu xanh ấy.

Những người giữ xanh đường phố

Là đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ duy tu, duy trì lĩnh vực công viên cây xanh, trong thời gian qua, Công ty Công viên Cây  xanh Hà Nội đã nỗ lực không ngừng để xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Với khoảng 100.000 cây xanh các loại, trong đó, hơn 70 loài được trồng theo các tuyến phố, hệ thống vườn hoa, công viên ở 9 quận và huyện Từ Liêm của Thủ đô, hàng ngày đang được gần 700 CBCNV công ty quản lý, chăm sóc, duy trì, cắt tỉa và trang trí. Dịp lễ, Tết, TP cần trang trí rực rỡ, những ngày mưa bão cây đổ ngổn ngang... tất cả đều cần đến công sức, bàn tay, khối óc của họ.

Để Hà Nội mãi xanh - Ảnh 1

Công nhân Công ty Công viên Cây xanh chăm sóc vườn hoa Quảng trường Cách mạng 19/8.Ảnh: Đức Giang
 
 
 
Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh cho biết, cùng với sự chuyển mình của Thủ đô và đất nước, trong những năm gần đây lĩnh vực công viên, cây xanh được TP đặc biệt quan tâm đầu tư. Đặc biệt vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP đã đầu tư một khoản kinh phí lớn để xây dựng, cải tạo đưa vào sử dụng rất nhiều công viên, vườn hoa hở trên địa bàn. Các công viên, vườn hoa được đầu tư, cải tạo có thể kể đến như: Vườn hoa Lý Thái Tổ, Cổ Tân, Diên Hồng, Thủy lợi, Công đoàn… Đến thời điểm này tất cả các công viên vườn hoa đều đã và đang phát huy được hiệu quả là nơi nghỉ ngơi thư giãn của người dân sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Còn đó những nỗi lo 

Hiện một số vườn hoa đang bị người dân lấn chiếm sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị. Vườn hoa Lý Tự Trọng với các quần thể kiến trúc với cây xanh, thảm cỏ, đường dạo, tượng đài... là điểm sinh hoạt văn hóa, giải trí của cộng đồng. Nhưng, những vị trí "đắc địa" trong khuôn viên vườn hoa này đã bị một số người dân "phân lô" mở quán bán hàng, căng lều bạt làm chỗ nghỉ chân, phơi quần áo, chăn màn… Tình trạng xe máy nối đuôi nhau chạy qua khuôn viên vườn hoa diễn ra khá phổ biến và nhiều nhất vào buổi sáng và chiều tối… 

Tại Vườn hoa ĐH Thủy lợi, Vườn hoa Công đoàn người dân bày bán hàng hóa lên cả thảm cỏ nơi có biển "Cấm giẫm lên cỏ", từ quán trà đá, hàng mũ bảo hiểm, khẩu trang, dây lưng ví da, các gánh hàng rong… Người bán đã vậy, khách hàng cũng "tự nhiên" không kém khi họ sẵn sàng ngồi lên thảm cỏ để ăn uống và đến khi họ bỏ đi, cả vườn hoa biến thành một bãi rác thải tổng hợp. 

Theo đại diện Xí nghiệp 4 thuộc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, đơn vị được giao duy tu, quản lý 2 Vườn hoa Công đoàn và Thủy lợi, hàng ngày tại 2 vườn hoa này, các thảm cỏ, đường dạo đều được vệ sinh sạch sẽ, nhưng chỉ sau một đêm, đến sáng hôm sau, cả vườn hoa đã bị những người bán hàng biến thành một bãi rác, khiến công nhân ngày nào cũng phải vất vả dọn dẹp. 

Mong đừng giẫm chân lên cỏ

Nhiều người tận hưởng vẻ đẹp của cây, của hoa như một lẽ đương nhiên, mà ít ai nghĩ rằng đó là thành quả lao động của rất nhiều công nhân. Chị Nguyễn Thị Kim Cầu, Công nhân Xí nghiệp quản lý cây xanh số 1 tâm sự: Chúng ta vẫn nói cây xanh là lá phổi của Thủ đô, nhưng rất nhiều người vẫn không ngần ngại giẫm chân lên cỏ, hoặc phóng xe máy qua những thảm cỏ xanh nếu chẳng may tắc đường. Thậm chí có không ít người còn xả rác lên những thảm cỏ... 

Mấy ai biết được sự vô tâm nho nhỏ ấy đem đến nỗi buồn cho người khác. Sau những ngày lễ, Tết một số vườn hoa bị thiệt hại, nhưng chỉ ít ngày sau đó những vườn hoa lại xanh tươi. Chẳng có "phép màu" nào, ngoài bàn tay cần cù của những người công nhân chăm sóc cây xanh. Bởi thế, nắng mưa, giá rét, người công nhân cũng phải gắn bó với cây hoa. 

Càng vào dịp người dân được nghỉ ngơi, thì người chăm cây càng vất vả. Giống như công nhân môi trường, công nhân cây xanh là những "chuyên gia" đón Giao thừa... trên đường phố. Đợi mọi người đón Giao thừa xong, các anh, các chị bắt đầu công việc dọn dẹp những luống hoa, dựng lại những cây gãy đổ để TP xanh tươi trong ngày đầu năm mới. Bao nhiêu khó khăn, bấy nhiêu vất vả đều phụ thuộc vào thời tiết, ý thức của người dân, thời gian dường như bất tận, công việc chăm sóc hoa quả thật nhọc nhằn. 

Vì vậy, mong mỏi của những công nhân chăm sóc cây xanh là mỗi người dân hãy biết giữ gìn, nâng niu trân trọng những vườn hoa, thảm cỏ bởi đây không chỉ là mảng xanh của TP mà còn là bao công sức, mồ hôi của đội ngũ công nhân Công ty Công viên Cây xanh.