Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để khai giảng thành kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời mỗi học sinh

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Chúng ta phải hiểu rằng ngày lễ khai giảng là của các em, phải để chính các em thấy vui, thấy hứng thú chờ đợi ngày khai giảng

Nhiều năm qua, việc tổ chức lễ khai giảng rườm rà với nhiều thủ tục phô trương, hình thức đã khiến cho việc chào đón năm học mới giảm đi sự háo hức của học sinh. Lấy lại cảm giác thiêng liêng về lễ khai giảng là điều mà xã hội và học sinh mong đợi.

Đến giờ cô Phạm Ngô Bảo Thy, giáo viên trường THPT Ngô Thời Nhiệm, TP Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in năm đầu tiên bước vào cấp 2. Trước đêm khai giảng năm đó cô không thể nào ngủ được vì háo hức được gặp thầy cô và bạn bè mới. Trong ký ức của cô Thy, câu nói của thầy hiệu trưởng tâm sự ở lễ khai giảng đã theo cô đến tận bây giờ.
Để khai giảng thành kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời mỗi học sinh - Ảnh 1
Thầy nói rằng “cấp hai rồi, các con sẽ bắt dầu học mộn tiếng Anh. Từ quan trọng nhất của tiếng Anh chính là từ Present có nghĩa là hiện tại. Ngày hôm qua thì qua rồi, ngày mai thì chưa tới, vậy thì con hãy sống tốt cho ngày hôm nay, để ngày mai con có một quá khứ rất đẹp và con chuẩn bị một tương lai tốt cho mình. Present là hiên tại nhưng present cũng có nghĩa là món quà, hiện tại là một món quà…” Ngày khai giảng chỉ đơn giản là lời tâm sự của một thầy hiệu trưởng, nhưng đằng sau đó là những bài học giáo dục sâu sắc.

Cô Phạm Ngô Bảo Thy ước ao con mình cũng như học trò của mình cũng sẽ có một ngày khai giảng đặc biệt như thế. “Chúng ta phải hiểu rằng ngày lễ khai giảng là của các em, phải để chính các em thấy vui, thấy hứng thú chờ đợi ngày khai giảng này. Đừng dể các em ngán ngẩm chờ đợi đến giây phút người dẫn chương trình tuyên bố buổi lễ khai giảng đến đây là hết, các em sẽ vỡ òa trong niềm vui như vừa thoát khỏi một sự tra tấn thì quả thật đáng sợ”.

Từ khá lâu, lễ khai giảng thường được tổ chức rất dài, rườm rà và nặng về báo cáo thành tích, mà chưa hướng tới chủ thể chính là học sinh. Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, việc tổ chức những lễ khai giảng cho người lớn bây giờ rất phổ biến, đến nỗi các trường đều xem đó là “kịch bản mẫu”, nhất là khi có khách mời quan trọng. Cách làm đó đã dần dần khiến ngày khai giảng vơi bớt sự thiêng liêng đối với nhiều thầy cô giáo và học sinh.

Anh Phạm Văn Lâm, phụ huynh học sinh ở Quận 9, TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Tôi nghĩ ngày khai giảng không thể thiếu những nghi thức trang trọng của phần lễ, nhưng thời gian nên sắp xếp phù hợp, không nên để học sinh ngồi mệt mỏi dưới sân trường. Bên cạnh đó cũng nên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa học sinh với nhau để các em có cảm giác đây là ngày vui thực sự của mình. Hãy để ngày khai giảng là một kỷ niệm đẹp của mỗi năm học để các em háo hức mong chờ”.

Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, khai giảng nên được lồng ghép các bài học theo từng chủ đề về tính giáo dục cho học sinh. Năm nay trường lấy chủ đề “Quê hương” cho lễ khai giảng năm học mới. Từ việc thiết kế không gian cho buổi lễ đến những hình ảnh minh họa, tiết mục văn nghệ... đều hướng học sinh đến tình yêu với quê hương, đất nước”. Đặc biệt, trường Nhân Việt còn mời bác sĩ Trần Hoàng Minh, người được đông đảo bạn trẻ mến mộ và khâm phục bởi quyết định từ bỏ điều kiện tốt ở Mỹ để về làm việc ở một bệnh viện tại TP HCM đến giao lưu với học sinh.

Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trường trường THPT Nhân Việt nói: “Các buổi lễ nói chung hay lễ khai giảng đầu năm học nói riêng, thường được tổ chức rất dài, rườm rà và nặng về báo cáo thành tích, mà chưa hướng tới chủ thể chính là các em học sinh. Tổ chức lễ khai giảng nắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng thì tôi cho rằng đây là ý kiến hoàn toàn phù hợp, chúng ta nên thực hiện đồng bộ trên tất cả các buổi lễ khai giảng khắp cả nước”.

Khai giảng là ngày hội của học sinh khi bước vào năm học mới với nhiều háo hức, chờ đợi. Vì vậy, tổ chức lễ khai giảng thế nào để vừa lồng ghép những bài học giáo dục, vừa tạo hứng thú cho học sinh là điều cần thiết. Đây cũng sẽ là những kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời mỗi học sinh.