Cũng như nhiều năm trước, không đợi đến khai hội, ngay sau đêm Trừ tịch, nhiều người đã đổ về các điểm thờ tự dâng hương, lễ Phật, cầu mong một năm mới an lành.
Năm nay cũng vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm thuần phong mĩ tục tại các lễ hội vẫn được xem trọng. Nhằm mục đích ấy, cứ đến mùa lễ hội, cả hệ thống chính trị lại vào cuộc, chung tay để lễ hội luôn là điểm đến an lành với những nét đẹp truyền thống. Tại Hà Nội, chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2018, UBND TP đã có Văn bản 87/UBND-KGVX, ngày 8/1/2018 về việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018. Theo đó, Giám đốc Sở VH&TT, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt là các lễ hội lớn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội. UBND cũng đã ban hành Quyết định số 758/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP năm 2018 nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm quy định của pháp luật và TP trong công tác tổ chức lễ hội. Nghĩa là chính quyền và các cơ quan chức năng TP đã có ý thức chuẩn bị chu đáo cho mùa lễ hội diễn ra đúng ý nghĩa, bảo đảm thuần phong mỹ tục.
Không chỉ dừng ở văn bản chỉ thị, tinh thần chỉ đạo của UBND TP đã được các đơn vị liên quan, đặc biệt là các ban tổ chức lễ hội quán triệt, thực hiện. Từ rằm tháng Chạp năm Đinh Dậu, việc chuẩn bị cho lễ hội Chùa Hương đã hoàn tất. Đoạn đường dẫn vào di tích được mở rộng; thuyền đò tham gia vận chuyển khách được kiểm tra kỹ độ an toàn; suối Yến được khơi thông dòng chảy, hàng quán được quy hoạch rõ ràng… Cùng với hoạt động tuần tra liên tục của các tổ kiểm tra liên ngành, Ban tổ chức còn niêm yết công khai số điện thoại của lãnh đạo huyện Mỹ Đức để du khách có thể liên lạc trực tiếp khi cần. Ban tổ chức lễ hội đền Sóc năm 2018 cũng có sự đổi mới về thời gian, cũng như nghi thức liên quan tới việc phát lộc hoa tre. Cụ thể, sau nghi thức tế lễ, phẩm vật dâng thánh sẽ được lưu lại đền Thượng để phát cho du khách vào khung giờ nhất định. Điều chỉnh này nhằm xóa bỏ hiện tượng tranh cướp lộc mang tính bạo lực, thường xuất hiện trong các mùa lễ hội trước…Sự chu đáo trong công tác chuẩn bị, ý thức trách nhiệm của các lực lượng chức năng bước đầu đem lại hiệu quả. Theo Ban tổ chức, từ đầu xuân, mỗi ngày chùa Hương đón hàng vạn lượt khách; riêng ngày khai hội có khoảng 50.000 lượt người trảy hội. Khách thập phương nô nức đổ về, trong những ngày qua tại các lễ hội Chùa Hương, đền Sóc, Cổ Loa… mọi hoạt động về cơ bản diễn ra an toàn, dù đó đây vẫn còn cảnh không đẹp mắt từ phía người đi lễ. Ví như cảnh rất nhiều người, đa số là người trẻ leo qua lan can, hàng rào ở chùa Hương để vào khu vực hành lễ, người dân xả rác bừa bãi… Mùa lễ hội còn dài, đặc biệt là với quần thể di tích danh thắng chùa Hương, làm sao để duy trì được những kết quả ban đầu này? Câu trả lời xem ra không từ phía các cơ quan chức năng, các Ban tổ chức lễ hội. Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt. Có điều, nhiều người đang có quan niệm sai lầm khi cho rằng đến chùa để cầu lợi lộc, tiền bạc và đó phải chăng cũng là nguồn gốc của những hành vi phản cảm ở chốn linh thiêng. Có một thực tế là năm nào cũng vậy, dù Ban tổ chức các lễ hội có chuẩn bị kỹ càng đến đâu, vẫn khó tránh khỏi các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, ăn mặc hở hang, đốt vàng mã, rải tiền lẻ, thậm chí nhét tiền lẻ vào tay tượng... Nguyên do chỉ nằm ở ý thức của một bộ phận người hành hương.Theo quan điểm của Phật giáo, chùa không phải nơi xin xỏ, ban phát lợi lộc, bởi giáo lý Phật giáo không dạy con người tham lam. Đến chùa chỉ nên cầu bình an, nhắc nhở mình sống hướng thiện, vậy mà không ít người đến cửa Phật, cửa Thánh với tâm lý “xin – cho”, cầu mong Phật, Thánh ban cho nhiều tài, lộc. Tâm lý ấy dẫn đến những hành vi phản cảm, thậm chí nặng tính “mua bán” như quá coi trọng lễ vật, đốt quá nhiều vàng mã với quan niệm lễ vật càng to càng được Phật, Thánh phù hộ và ban nhiều tài lộc. Trong khi đó, quan trọng nhất vẫn là lòng thành của mỗi người khi tìm về chốn linh thiêng. Từ thực tế trên có thể thấy, cùng với cố gắng của các ban tổ chức lễ hội, muốn loại bỏ những phản cảm, trả lại không gian linh thiêng cho các lễ hội đầu xuân, cần sự thay đổi trong ý thức của người hành hương. Mỗi người cần chuẩn bị tâm thế khi đi lễ hội, đó là tấm lòng thành, tâm lý hướng thiện. Tâm thế đó sẽ dẫn đến cách ăn mặc, ứng xử, nói năng, đi đứng, cách hành lễ... phù hợp. Đó là những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên một mùa lễ hội an lành.