Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Dế mèn” ở lại nhớ người ra đi…

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/7, mưa trắng trời nhưng lãnh đạo TP, người thân, bạn bè trong giới văn chương...

Kinhtedothi - Sáng 17/7, mưa trắng trời nhưng lãnh đạo TP, người thân, bạn bè trong giới văn chương và cả những người mến mộ lão nhà văn người Hà Nội - Tô Hoài - vẫn đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để nghiêng mình tiễn ông về với đất mẹ.

Những tấm ảnh bìa tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" (bản tiếng Việt và bản dịch ra tiếng nước ngoài) xếp thành hàng trên tay các cô cậu học trò áo trắng theo cố nhà văn ra đến tận xe tang. "Dế mèn" ở lại nhớ người ra đi…Trong dặt dìu tiếng nhạc của bộ phim "Vợ chồng A Phủ", người Hà Nội từ biệt một cây bút trứ danh của đất Thăng Long. Hiếm thấy những lễ tang nào mà nước mắt đọng trên cả khóe mi của mấy thế hệ, cả những người mới chỉ gặp nhà văn qua tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký", "Vợ chồng A Phủ"… Giới văn chương, viết lách dường như không thiếu một ai, từ những cây bút cùng thế hệ còn lại, đến những thế hệ "sinh sau", như nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự: "Khi tôi chưa cầm bút thì Tô Hoài đã là nhà văn lớn, khi tôi trở thành nhà văn rồi thì Tô Hoài vẫn luôn là nhà văn lớn". Họ tiếc thương, rơi lệ một cách thành kính trước linh cữu và không thôi nhớ về lão nhà văn với một nụ cười hiền hậu, một lối sống bình dị, một tính cách dí dỏm cả trong đời thường lẫn văn chương, một người cầm bút sáng tác cho đến tận khi hơi thở tàn…
Những tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi của nhà văn Tô Hoài.
Những tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi của nhà văn Tô Hoài.
 
Cũng phải thôi, bởi ở tuổi 95 mà có đến 70 năm phiêu du trên các con chữ, Tô Hoài đã nổi tiếng với sự nghiệp văn chương đồ sộ. Ông được đánh giá là "có năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc khá phong phú, lối văn chương giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tại mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ". Trong hơn 100 tác phẩm dậy sóng trên văn đàn, chẳng ai là không nhớ "Dế mèn phiêu lưu ký" - tác phẩm viết cho thiếu nhi đã được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Rồi "Vợ chồng A Phủ" có mặt trong sách giáo khoa phổ thông và cũng là "điểm tựa" cho bộ phim "vàng" của điện ảnh Việt; rồi những tác phẩm viết về Hà Nội đến giờ khó ai vượt qua được… Chẳng ai là không nhớ nhà văn với chuỗi tác phẩm đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, với Giải thưởng Lớn của "Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". 

Ghi lưu bút vào cuốn sổ tang, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận: "Cuộc đời hoạt động và những cống hiến, những tác phẩm của nhà văn sẽ sống mãi trong lòng Nhân dân Thủ đô và đất nước". Nhà văn Nguyễn Quang Thiều không giấu nổi xúc động: "Có lẽ không nhiều nhà văn cầm bút và trung thực với ngòi bút của mình và đi với ngòi bút đến tận hơi thở cuối cùng. Ông là một tấm gương lớn cho nhân cách của một nhà văn, nhân cách trong sự nghiệp cầm bút, sự sáng tạo không mệt mỏi, đầy mới mẻ. Tôi nghĩ rằng, khi ông còn sống, ông luôn khích lệ thế hệ nhà văn sau và thế hệ sát ông. Khi ông mất đi, những gì ông đã cống hiến trong cuộc đời lại một lần nữa cho những nhà văn thế hệ sau suy ngẫm để vươn lên nhiều hơn". 

Những người yêu mến đến tiễn đưa cha đẻ "Dế mèn" cũng tha thiết và hiểu về người ra đi: Tôi rất thương cụ, chết rồi vẫn phải xếp hàng để chờ lên cao xanh, điều đó cũng cho thấy sự gian truân vất vả của người viết. Nhưng tôi cũng cảm nhận mặt đất và dân tộc này cũng lưu luyến một văn tài. Cụ ra đi là đánh dấu lớp người (những cây bút) của thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã lần lượt từ biệt mặt đất này. Về mặt văn chương, nền văn học Việt Nam đã đánh dấu mốc vàng son về một văn tài. Từ nay nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến kỷ niệm và chúng ta sẽ đọc "Dế mèn phiêu lưu ký" dưới ánh sáng khác với khi ông còn sống…q

 
Trước sự ra đi của cây bút lớn trong văn đàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam… gửi vòng hoa đến viếng cùng lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhà văn Tô Hoài. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi, đã đến viếng và chia buồn với thân nhân gia đình nhà văn.  
"Tôi rất xúc động đến viếng và vĩnh biệt một nhà văn lớn, một người anh lớn của văn đàn Việt Nam. Tấm gương lao động miệt mài cho đến hơi thở cuối cùng của nhà văn Tô Hoài là tấm gương mẫu mực của các nhà văn việt Nam. Các tác phẩm đầy sức sống, để đời của nhà văn Tô Hoài như "Dế mèn phiêu lưu ký" đã và sẽ sống mãi với hàng triệu trẻ thơ Việt Nam và trên thế giới, tên tuổi của ông luôn đồng hành với mọi thế hệ người Việt Nam" - Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.