Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 đại biểu đại diện cho người dân các xã, thị trấn. Đây là chương trình công tác thường niên của huyện Phúc Thọ, với mục tiêu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Còn nhiều băn khoăn, vướng mắc từ cơ sở
Là địa phương thuần nông, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phúc Thọ vẫn còn nhiều khó khăn. Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu huyện Phúc Thọ với Nhân dân tổ chức ngày 4/11, ông Vũ Đức Thắng – Trưởng thôn Gium (xã Thọ Lộc) cho biết, hệ thống kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Điều này khiến việc cơ giới hoá nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; kinh tế chậm được cải thiện.
Tình trạng ngập úng, đặc biệt là khu vực ven sông Tích thuộc địa bàn các xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Ông Nguyễn Văn Sáo cho biết, trên địa bàn xã Trạch Mỹ Lộc có 5 thôn thường xuyên bị ngập khi mùa mưa đến. Vụ Xuân, vụ Mùa thường xuyên bị thiệt hại năng suất lúa, thậm chí mất trắng. “Người dân bức xúc vì vẫn phải đóng quỹ phòng, chống thiên tai nhưng kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết vấn đề úng ngập của cụm dân cư nằm ngoài đê sông Tích…” – ông Nguyễn Văn Sáo cho hay.
Vấn đề nước sạch trong xây dựng nông thôn mới cũng được người dân quan tâm. Nhiều đại biểu các xã Vân Phúc, Phúc Hoà, Phụng Thượng, Xuân Đình… có mặt tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại do huyện Phúc Thọ tổ chức ngày 4/11 cho biết, mấy năm qua đã kiến nghị địa phương quan tâm, cung cấp nước sạch cho người dân, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa được đáp ứng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, đại biểu đến từ xã Liên Hiệp, cho biết, vấn đề môi trường trên địa bàn hiện đang rất cấp thiết. Các hộ sản xuất mạ kẽm, đồ gỗ, cơ khí nằm trong khu dân cư đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống xung quanh. Do đó, người dân mong muốn huyện đẩy nhanh tiến độ Cụm công nghiệp Liên Hiệp (giai đoạn 2); sớm đưa các cơ sở đến điểm sản xuất tập trung.
Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu huyện Phúc Thọ ngày 4/11, người dân địa phương cũng đã kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có vấn đề đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó có một số công trình nhận được sự kỳ vọng lớn như: Chợ Hiệp (xã Tam Hiệp); xây dựng nhà văn hoá tại các xã: Tam Thuấn, Hiệp Thuận, Hát Mông…; đình làng Bách Lộc và quán Bà (xã Thọ Lộc); đường Cầu Ó (xã Tích Giang); tỉnh lộ 417 từ Cẩm Đình – Xuân Đình đi xã Sen Phương…
Sẽ đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng
Thay mặt lãnh đạo huyện, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn đã thông tin, trao đổi một số nội dung liên quan đến 7 nhóm ý kiến của đại biểu các xã, thị trấn. Theo ông Doãn Trung Tuấn, những năm qua, huyện đã tranh thủ hỗ trợ của TP Hà Nội, bố trí nguồn lực đầu tư hàng trăm ki lô mét đường giao thông. Trong gia đoạn 2021 – 2025, huyện dự kiến tiếp tục đầu tư hơn 3.123 tỷ đồng để thực hiện 129 dự án.
Cũng liên quan đến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, huyện Phúc Thọ sẽ bố trí thêm hơn 366 tỷ đồng cho lĩnh vực đê điều, thuỷ lợi; hơn 1.753 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục; gần 2.380 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hoá – xã hội; hơn 100 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế; khoảng 1.375 tỷ đồng cho lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất… Tổng nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gai đoạn 2021 – 2025 là hơn 10.000 tỷ đồng.
Dù vậy, do ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn nên về đầu tư công, huyện sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, từ các dự án có tính cấp bách, dự án thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến đầu tư thực hiện các dự án khác. Phấn đấu hoàn thiện hạ tầng đồng bộ và nghiên cứu áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của đô thị nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng được đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Đại diện UBND huyện Phúc Thọ cũng đề nghị người dân tiếp tục ủng hộ trong quá trình triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như vấn đề mà chính người dân kiến nghị, đề xuất về nước sạch – môi trường. Thực tế tại một số địa phương, dù đã được đấu nối đường ống cấp nước sạch, tuy nhiên, người dân không sử dụng. Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác thải bừa bãi vào hệ thống kênh mương, trên cánh đồng hiện nay vẫn còn khiến môi trường bị ảnh hưởng…
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược phát triển của huyện như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế; hoàn thành các dự án tổng thể kinh tế - xã hội theo hướng phân vùng; thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư có uy tín; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm…
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, đối thoại ngày 4/11, Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn đánh giá các ý kiến, kiến nghị được người dân đề xuất, kiến nghị là chính đáng và hết sức quan trọng. Lãnh đạo huyện trân trọng và sẽ tiếp thu trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặc dù vậy, Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ cho rằng, những ý kiến của người dân cũng bộc lộ một vấn đề là công tác thực hiện nhiệm vụ của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở và phòng ban, đơn vị liên quan. “Để người dân kiến nghị lên cấp huyện yêu cầu xử lý thì trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền và các phòng, ban đơn vị đến đâu?” – ông Nguyễn Doãn Hoàn đặt câu hỏi.
Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho rằng, cuộc tiếp xúc, đối thoại hôm nay đã cho thấy thực tiễn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Điều này cho thấy đâu đó trong hệ thống các cấp chính quyền cơ sở, vẫn còn cán bộ chưa làm tròn hết trách nhiệm. “Một số kiến nghị không phải việc lớn, nhiều việc thuộc thẩm quyền trách nhiệm ở cơ sở có thể giải quyết được ngay nhưng vẫn không xử lý, để người dân phải kiến nghị lên cấp huyện là có trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở…” – Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ nêu.
Đề cập đến phát triển kinh tế, ông Nguyễn Doãn Hoàn nhấn mạnh, Phúc Thọ hiện vẫn là huyện nông nghiệp nhưng tình trạng đất bỏ hoang vẫn còn phổ biến. Do đó, chính quyền các địa phương phải vào cuộc, phối hợp cùng phòng kinh tế để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khai thác tối đa giá trị tư liệu đất đai.
Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ cũng yêu cầu các phòng ban, đơn vị, cấp uỷ, chính quyền xã, thị trấn nhìn thẳng vấn đề còn hiện hữu để rút kinh nghiêm. Đánh giá lại hiệu quả hoạt động của cán bộ các cấp; phấn đấu xử lý dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, không để việc nhỏ mà người dân các địa phương phải đề xuất, kiến nghị lên cấp huyện, thậm chí là TP Hà Nội.
Trong những tháng đã qua của năm 2022, huyện Phúc Thọ tiếp tục chỉ đạo điều hành theo tinh thần “Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt”; thực hiện toàn diện, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thành uỷ - UBND TP Hà Nội. Nhờ đó, tình hình sản xuất, cung ứng hàng hoá trên địa bàn huyện ổ định. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 450 tỷ đồng, đạt 145,3% dự toán TP Hà Nội giao và 88,8% dự toán HĐND huyện giao. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 1.837 tỷ đồng, đạt 130,2% dự toán TP Hà Nội giao, bằng 118,6% dự toán HĐND huyện giao.
Những tháng đã qua của năm 2022, huyện Phúc Thọ tiếp tục đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo đầy đủ và kịp thời các chế độ cho người được thụ hưởng. Giáo dục mũi nhọn được chú trọng, nâng cao. Quản lý tốt các hoạt động văn hoá, phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 200 năm huyện Phúc Thọ (1822-2022), đón nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Ba.