Ông Phạm Trung Chính – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua hơn 5 năm. Trên địa bàn Hà Nội, Ban chỉ đạo cuộc vận động của TP cũng như các sở ngành, quận huyện đã chỉ đạo nhiều hoạt động thiết thực, phong phú để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cuộc vận động.
Tuy nhiên, kỳ vọng ở cuộc vận động còn nhiều trăn trở như ưu tiên lựa chọn hàng Việt đã đến mức độ nào, hàng Việt trên địa bàn TP đã đáp ứng và thỏa mãn đến đâu, sự nhận diện hàng Việt ra sao và người tiêu dùng có thể tự hào với hàng hóa Việt Nam.
Chính vì còn nhiều sự trăn trở, cuộc hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi các nguyện vọng, tìm kiếm các giải pháp, kinh nghiệm, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội thảo “Người Hà Nội ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
|
Tại Hội thảo các tham luận do các đại biểu thuộc các Hội Bảo vệ, các CLB trên địa bàn TP trình bày với nhiều chủ đề như: Trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực yêu nước; Thương hiệu doanh nghiệp – chất lượng hàng hóa – người tiêu dùng; Một số góp ý về chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Nội; Người tiêu dùng nữ với cuộc vận động; Cần gia tăng sức hút của hàng Việt…
Các bài tham luận đã chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Hà Nội như việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương các cấp có nơi lãnh đạo cơ sở chưa tham gia tích cực vào đợt bán hàng Việt về nông thôn, chưa tạo điều kiện cơ sở vật chất, địa điểm cho việc bán hàng Việt. Việc điều tra nhu cầu tiêu dùng ở khu vực thành thị, nông thôn về hàng Việt còn sơ sài. Hàng hóa sản xuất ra ở Hà Nội cũng như các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ mẫu mã còn nghèo nàn, giá cả chưa cạnh tranh. Mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ còn ít, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, tệ nạn hàng lậu, hàng giả đang làm suy yếu sức tiêu thụ hàng Việt. Đây là một điểm cần đặc biệt lưu ý trong chỉ đạo cuộc vận động này.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trên, các ý kiến đều cho rằng về sản xuất của Hà Nội bao gồm hàng công nghiệp tiêu dùng và hàng nông sản thực phẩm Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất. Có như vậy hàng Việt sản xuất ra mới có sức hút người tiêu dùng Hà Nội một cách thực chất bền vững. Hà Nội sản xuất hàng nông sản, thực phẩm không đủ cung cấp tại chỗ vì vậy cần phối hợp với các tỉnh thành phố bạn để bổ sung quỹ hàng hóa Việt cho Thủ đô. Sản xuất phải liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối, phân phối tiêu thụ là đầu ra quan trọng của sản xuất. “Kinh nghiệm chỉ ra rằng nếu ai nắm được hệ thống phân phối sẽ chiếm lĩnh được thị phần, chiếm được khách hàng, chúng ta không bài ngoại, song muốn cạnh tranh bình đẳng với hàng ngoại thì không gì hơn là phải nâng cao nội lực của chính mình, không hô hào yêu nước thì phải mua hàng Việt một cách chung chung dẫn đến hiệu quả rất thấp” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội đã phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp và sự ủng hộ hợp lý của người tiêu dùng, có ý kiến cho rằng vai trò của Nhà nước là rất quan trọng, làm sao tạo ra môi trường kinh doanh, sản xuất bình đẳng, minh bạch, chống buôn lậu, gian lận thương mại, các chính sách về đất đai, vốn, thuế phí… phải để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tạo điều kiện phât triển nhanh, bền vững cho các doanh nghiệp chân chính trên thương trường.
Thông qua các cuộc hội thảo, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP Hà Nội trong thời gian tới sẽ rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo giai đoạn (2016 - 2020) để cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Thủ đô cũng như cả nước.